Sớm ban hành cơ chế đặc thù để dự án điện hạt nhân hoàn thành đúng lộ trình
17/02/2025 - 13:46
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 17/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
AA
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, nhằm triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận theo kết luận của các cấp có thẩm quyền và Quốc hội.
Các đại biểu đã tham gia ý kiến về lựa chọn đối tác thực hiện và nhà thầu cũng như phương án tài chính, thu xếp vốn; cơ chế chính sách đối với địa phương có dự án thực hiện và nhiều nội dung khác.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Đại biểu Trần Quốc Nam (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) cho biết, việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cơ hội, vinh dự lớn của tỉnh để trở thành trung tâm năng lượng sạch cả nước. Từ khi có Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội về đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân, hơn 15 năm qua Đảng bộ, nhân dân Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế, sẵn sàng cho dự án được triển khai. Nhân dân vùng lõi dự án với gần 1.300 hộ, gần 5000 nhân khẩu cần di dời luôn sẵn sàng bàn giao nhà, đất để thực hiện dự án.
Hai xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam), xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) là nơi trước đây được quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 tiếp tục đóng góp nơi ở cho Nhà nước làm nhà máy, với mong muốn dự án sẽ được triển khai nhanh hơn; đồng thời có nguyện vọng là nơi ở mới của bà con phải tốt hơn chỗ cũ, đời sống phải thật ổn định, ấm no, hạnh phúc.
Chính phủ giao tỉnh Ninh Thuận trong năm 2025 phải thực hiện xong giải phóng mặt bằng, di dời và tái định cư cho người dân vùng dự án, tức là chỉ còn khoảng 10 tháng nữa để thực hiện việc này. Vì vậy, cùng với 7 chính sách đặc thù mà Chính phủ đề xuất trong dự thảo Nghị quyết, ông Trần Quốc Nam đề xuất bổ sung thêm 5 chính sách, cơ chế, nhất là về giải phóng mặt bằng, di dời bồi thường và hỗ trợ người dân vùng dự án, bởi giải phóng mặt bằng thường là khâu khó, mất nhiều thời gian. Nếu thực hiện theo đúng quy định của luật thì chắc chắn một năm không thể hoàn thành.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Dẫn tin nhắn của một cử tri gửi tại Kỳ họp thứ 8 trước khi Quốc hội ấn nút thông qua chủ trương khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận rằng: "Điện hạt nhân rẻ, ổn định, ít phát thải và công suất lớn, xin đừng để tuột mất cơ hội, làm chậm sự phát triển của đất nước", đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh với nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, tăng nhanh của Việt Nam thì sự phát triển điện hạt nhân là yêu cầu tất yếu, khách quan và hợp quy luật.
Cùng với những lợi ích tiềm năng và tích cực, đại biểu Dương Khắc Mai lưu ý dự án còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức cần được xem xét cẩn trọng như vấn đề tài chính, công nghệ và an toàn môi trường xã hội, địa chính trị.
Theo đại biểu, điện hạt nhân là lĩnh vực có công nghệ chuyên sâu đặc thù phức tạp, trong khi phải nhìn nhận thực tế là trình độ nước ta chỉ ở mức cơ bản trong lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực phụ trợ có liên quan. Vì vậy, chắc chắn phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, cộng với đó là vấn đề nguồn nhân lực để đáp ứng cho dự án cũng là một vấn đề lớn, nếu không đảm bảo thì ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng cũng như vận hành nhà máy.
Cho biết rất nhiều nhân lực từng chuẩn bị cho các dự án hiện đang làm việc cho bên ngoài và ở nước ngoài, đại biểu Mai nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết chưa nêu cơ chế chính sách đặc thù đối với vấn đề đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ, trong khi tìm chọn và giữ nhân tài là vấn đề rất quan trọng.
Thông tin hiện có 431 nhà máy điện hạt nhân vận hành tại 32 quốc gia, 8 quốc gia làm chủ công nghệ mới, công suất lớn với tính năng vượt trội, an toàn như Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Ấn Độ và Canada, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nhấn mạnh, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đầu tiên của Việt Nam và cho rằng, với tiến độ như Chính phủ trình Quốc hội thì cần chính sách đặc thù mới hoàn thành. Theo đại biểu, hợp đồng "chìa khóa trao tay" là phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay, khi nhiều quốc gia trên thế giới cũng lựa chọn hình thức này cho nhà máy đầu tiên của họ.
Đại biểu cũng cho rằng, để thực hiện tốt dự án cần đặc biệt quan tâm đến phát triển nhân lực và đào tạo vì nhu cầu cho nhà máy 2 tổ máy, theo hướng dẫn của IAEA là 1.200 người/nhà máy ở tất cả các khâu, đồng thời cần làm tốt công tác truyền thông, đảm bảo người dân vùng dự án có đời sống tốt hơn khi di dời.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Mạnh Hùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Mạnh Hùng (Cà Mau), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (PVN), một trong những doanh nghiệp Nhà nước được giao làm dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đề nghị Quốc hội sớm ban hành các cơ chế chính sách đặc thù để dự án hoàn thành đúng lộ trình vận hành 2030 hoặc chậm nhất năm 2031. Theo đại biểu, mục tiêu của Trung ương yêu cầu phát triển nhà máy điện hạt nhân đưa vào sử dụng năm 2030 và muộn nhất 2031, đây là mục tiêu rất áp lực, trong khi đó điện hạt nhân quy mô lớn, phức tạp nên cần cơ chế đặc thù rất cụ thể, rất rõ để các chủ thể tham gia có thể thực hiện được.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thảo luận về quy định chủ đầu tư được miễn báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư, phương án huy động vốn, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, quy định như vậy có thể lúc đầu nhanh tạo cơ chế để chủ đầu tư làm, nhưng sẽ vướng về sau khi họ cần thay đổi vốn, phương án công nghệ… Đại biểu cho rằng việc cơ quan chủ sở hữu nhà nước giám sát thì ra quyết định nhanh hơn là xin Quốc hội điều chỉnh, vì thế cần cân nhắc để dự án thực hiện được nhanh, nhưng ổn định.Giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu hoàn thành dự án trong giai đoạn 2030-2031, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới thì rất cấp thiết phải sớm có các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bộ trưởng cho biết, sau phiên thảo luận, các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: