Người xưa có câu “Sức khỏe là vàng”, hiện nay nhiều người quan niệm sức khỏe còn quý hơn vàng. Lối sống nhanh, ăn nhanh, làm mọi thứ vội vã ảnh hưởng đến thể trạng là một lý do để nhiều người quay về với thói quen sống chậm. Tập yoga, áp dụng thực dưỡng, đọc sách, đi bộ, làm từ thiện hoặc tình nguyện viên, sáng tác nghệ thuật, dành nhiều thời gian cho bản thân được thả lỏng nghỉ ngơi… là những cách đang được mọi người tạm gọi là “sống chậm”. Chị Trần Thị Thu Hương (ngụ TP. Long Xuyên, thuộc thế hệ thuộc U.40) trần tình: “Tôi đến với môn yoga mục đích ban đầu để có sức khỏe dẻo dai hơn, cải thiện các bệnh về xương khớp. Nhưng lâu dài, tôi nhận ra môn học này rất tốt cho tinh thần. Học yoga không vội vàng được, phải làm chủ hơi thở để khỏe hơn, làm chủ suy nghĩ để đầu óc được thư giãn. Dần dà, hình thành một sức khỏe tốt từ bên trong giúp tôi có được trạng thái lạc quan, bình tĩnh”.
Còn chị Nguyễn Thị Huệ quan niệm: “Mình gọi là “sống chậm” nhưng hiểu đơn giản là sự sắp xếp hợp lý để tìm ra khoảng trống thời gian và không gian dành cho bản thân nhiều hơn nhằm cân bằng sức khỏe, tâm lý bên trong. Nhờ có những phút “dừng lại” cho bản thân, mỗi ngày tôi cảm nhận luôn dồi dào năng lượng, giảm căng thẳng và làm việc tốt hơn. Nghe có vẻ rất dễ dàng, nhưng đó là một quá trình thay đổi khá lâu”. Chị Huệ hiện là nhân viên một công ty tư nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Là phụ nữ, đảm nhận nhiệm vụ phát triển thị trường, chị cho biết cường độ công việc khá nặng nhọc và căng thẳng. Qua bạn bè, chị tham gia vào công tác từ thiện, đọc sách và ăn uống theo phương pháp thực dưỡng. Nhờ đó, chị cải thiện đáng kể trạng thái căng thẳng và yêu đời hơn.
Nhiều bộ môn lành mạnh đáp ứng nhu cầu sống khỏe, sống chậm nhằm giữ thăng bằng sức khỏe và tâm lý.
Làm chủ một tiệm cắt tóc nhỏ ở thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn) nhưng anh Nguyễn Ngọc Nhân, 33 tuổi, được rất nhiều người biết. Không chỉ ủng hộ anh với tư cách khách hàng, mọi người còn yêu mến vì anh là một tình nguyện viên rất tích cực tham gia các đợt thiện nguyện. Tại cơ ngơi khiêm tốn, anh Nhân dành một góc để dán la liệt ảnh đời thường. Anh chia sẻ toàn bộ ảnh do mình tự chụp, tuy không đẹp nhưng đó là những khoảnh khắc anh lưu lại để có “đề tài” trò chuyện với mọi người. Anh Nhân kể: “Trong một lần đi ngang qua địa phận huyện Châu Thành vào lúc tờ mờ sáng, tôi bắt gặp tại công viên thị trấn An Châu có một người đàn ông đứng trang nghiêm trước bia tưởng niệm liệt sĩ, nắm tay đưa lên ngực “mặc niệm”. Khoảnh khắc đó thật đẹp và để lại nhiều suy nghĩ. Có người giải thích anh luôn làm vậy hàng ngày trước khi tập thể dục buổi sáng. Tôi nhận ra những chuyện rất bình thường như thế mà hiếm khi mình để ý”. Từ đó, thay vì mỗi sáng hối hả đi làm, anh Nhân dậy sớm hơn, đi bộ tận hưởng không khí trong lành, hòa vào dòng người lắng nghe những câu chuyện giản dị và sáng tác ảnh.
Trong cuộc sống thường ngày, hẳn có lúc chúng ta trăn trở, càng ngày càng có nhiều lời than thở, từ trên mạng đến ngoài đời. Những cái thở dài, than công việc áp lực, chán nản với môi trường đang làm, than vãn về gia đình, các mối quan hệ… Giới trẻ còn nghiêm trọng hơn, họ chán nản từ việc học, sự quan tâm thái quá hay thờ ơ của cha mẹ, cho đến hàng tá chuyện chán rất vô lý. Chuyện thư giãn, ra công viên, tập thể dục, làm từ thiện, đi thăm chùa, tham gia hoạt động xã hội lành mạnh dường như chỉ là phần việc của người già và những người “dư” thời giờ. Quan điểm về “sống chậm” có khá nhiều biến tấu song đa phần thể hiện nhu cầu cân bằng, thanh thản giữa nhịp sống hối hả, không phải là sự trì trệ, lãng phí thời gian. Đó chỉ là những phút lắng lại cảm nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống, để sau đó điều chỉnh chính mình bắt nhịp với cuộc sống tốt hơn.
MỸ HẠNH