Giảm chi phí sản xuất
Hiện nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh đang bước vào cao điểm mùa khô. Để đảm bảo đủ lượng nước tưới cho cây trồng, nhiều nông dân đã sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm cho vườn cây ăn trái. Một trong những biện pháp được ứng dụng rộng rãi là tưới nước phun mưa tự động.
Chú Nguyễn Văn Đom (nông dân ấp Tân Hòa C, xã Tân An, TX. Tân Châu, An Giang) canh tác 5 công nhãn Ido. Cùng với việc áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chú Đom còn áp dụng công nghệ tưới phun mưa tự động cho vườn nhãn của mình.
Theo chú Đom, áp dụng công nghệ này giúp gia đình chú tiết kiệm công sức, thời gian, việc tưới nước cũng dễ dàng và thuận tiện hơn. “Tưới tự động dạng phun mưa sẽ giúp nước rải đều 100% diện tích vườn, giúp rễ cây tiếp xúc ổn định với nguồn nước tưới, hiệu quả có thể cao hơn 3-4 lần so với tưới bằng vòi thông thường” - chú Đom chia sẻ.
Sử dụng nước tưới tiết kiệm là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu
Ngoài biện pháp tưới phun mưa tự động, nông dân còn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên các loại cây ăn trái. Phương pháp này không đòi hỏi yêu cầu cao về mặt kỹ thuật nhưng hiệu quả khả quan.
Anh Nguyễn Tấn Mẫn, một trong những nông dân đi đầu trong việc ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt ở xã Vĩnh Nhuận (Châu Thành) cho biết, điểm nổi bật của công nghệ tưới nhỏ giọt là giúp tiết kiệm nước.
Theo anh Mẫn, áp dụng công nghệ này, nước sẽ được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng hấp thụ, không bị thất thoát, bốc hơi. Khi tưới truyền thống, mỗi ngày phải dành nhiều giờ đồng hồ để tưới, chi phí điện và nước tăng lên. Với hệ thống tưới tiết kiệm, mỗi ngày chỉ cần tưới 1-2 tiếng, nước tưới đều vào đất giúp cây hấp thụ nước tốt, cây sinh trưởng và phát triển nhanh.
Tăng năng suất cây trồng
Các biện pháp giảm lượng nước tưới trong sản xuất nông nghiệp một mặt làm giảm lượng nước tưới cung cấp cho cây, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt; mặt khác giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm công lao động.
Ông Võ Văn Em (nông dân xã Long Kiến, Chợ Mới) cho biết, sau khi thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt trên cây sầu riêng cho thấy, nếu tưới cây bằng phương pháp thông thường sẽ tạo 1 lớp hồ trên đất. Lớp hồ này vô tình ngăn cản rễ hấp thụ ô-xy nên cây sinh trưởng và phát triển yếu.
Do cây sinh trưởng yếu nên dịch bệnh sẽ dễ dàng tấn công, từ đó chi phí chăm sóc cũng như chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật để chăm bón cây trồng sẽ tăng. Ngược lại, sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, nước và chất dinh dưỡng được đưa thẳng vào bộ rễ, cây hấp thu chất dinh dưỡng tốt nên sinh trưởng và phát triển mạnh, sức đề kháng cao, hạn chế được sâu bệnh phá hoại, tiết kiệm chi phí canh tác rất nhiều.
“Nếu so sánh về chi phí sản xuất và công lao động từ đầu vụ đến lúc thu hoạch, trồng sầu riêng áp dụng công nghệ giảm khoảng 50% so với canh tác thông thường” - ông Em nhấn mạnh.
Cùng ý kiến với ông Em, anh Nguyễn Phước Thanh (xã Mỹ Hiệp, Chợ Mới, An Giang) cho biết, sau khi thí điểm hệ thống tưới nhỏ giọt trên 1ha xoài đã giúp gia đình anh tiết kiệm được nước, phân bón, thời gian và công lao động… đặc biệt năng suất cao hơn so với phương pháp truyền thống.
Theo anh Thanh, trước đây, với 1ha xoài, mỗi năm anh thu hoạch từ 200-300 triệu đồng. Từ khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, mỗi năm anh thu lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng từ việc bán xoài.
Bên cạnh đó, nông dân còn sử dụng nhiều giải pháp nhằm giảm lượng nước trong đất bốc hơi, như: che phủ bằng các giải pháp truyền thống dùng rơm rạ, cỏ khô… giải pháp này còn bổ sung lượng mùn làm xốp đất, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Có thể thấy, việc sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm đã mang lại hiệu quả kép cho bà con nông dân. Vừa tiết kiệm được nước, phân bón, công lao động, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con.
Đây còn là giải pháp tích cực, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cho phương pháp này tương đối lớn, do đó cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp giúp nông dân phát triển sản xuất, có điều kiện giải quyết tốt “bài toán” kinh tế cho gia đình.
ĐÌNH ĐỨC