Ơn nghĩa sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ là không thể đong đếm
1. Quê ở Bến Tre, ông bà già sống với vợ chồng anh Ba và chị Tư, còn nó với chị Hai thì lập nghiệp ở thành phố. Bốn năm đại học, cả nhóm tôi về quê nó chơi khá nhiều, hễ trống lịch học là cả nhóm rủ nhau về quê chơi, ngó bộ cảnh nhà đủ ăn đủ xài, không giàu có, cũng không thiếu hụt. Nhà rộng rãi, vườn cam với quýt thấy mà mê.
Biết cả nhóm thích miệt vườn cây trái, lần nào chuẩn bị về nó cũng nhắn tin rủ, còn kèm câu: “Đang mùa quýt nha tụi bây”. Thế là bọn tôi tranh thủ về chung với nó để kịp mùa quýt. Cả nhà nó rất hiếu khách, bởi vậy mà cả đám kéo về hoài. Nhà cửa ở quê cũng ngon lành, vậy mà từ hồi ra trường, nó đi làm rồi về phòng trọ, còn không thì tụ tập ăn uống, đi chơi với đồng nghiệp chứ ít khi về quê. Sau ngày tốt nghiệp, chúng tôi mỗi đứa theo đuổi một mục tiêu, ít gặp nhau nhưng vẫn nói chuyện qua tin nhắn, những tin nhắn rủ rê cả nhóm về quê của nó ngày càng ít, nhưng hình ba mẹ ở quê thì năm, ba bữa lại thấy nó chia sẻ lên “phây”. Hỏi ra mới biết nó không về. Nó nói tỉnh queo: “Tụi trong công ty tao cũng vậy thôi mày ơi, có đứa cả năm mới về quê có một lần, mà ngày nào cũng lên “phây” thương cha nhớ mẹ, rồi đăng hình gia đình các kiểu. Thời buổi bây giờ công nghệ lắm, yêu thương trên “phây” cũng là yêu thương mà”.
Ngẫm lại, không chỉ riêng cậu bạn đại học của tôi, chỉ cần lướt qua Facebook dễ dàng thấy hình ảnh, bài viết yêu thương ba mẹ, hay những câu nói tình cảm về gia đình, nhưng người đăng thì còn mãi ở tận đâu, nhiều khi còn quên cả việc gọi điện thoại về hỏi thăm gia đình. Nhất là vào dịp vu lan báo hiếu (tháng bảy âm lịch) thì mạng xã hội cũng như có thêm một “trend” (trào lưu) mới, nhan nhản những dòng trạng thái ngắn, dài thể hiện sự yêu thương, hiếu thảo với ba mẹ. Có lần tôi chứng kiến hình ảnh khá buồn cười, khi ba mẹ được bác sĩ kê đơn thuốc kèm lời dặn hạn chế đồ ngọt, thì cô con gái út mua hộp sữa có đường rồi đăng lên trang cá nhân như thể hiện sự hiếu thảo của mình để cộng đồng mạng được biết. Nào ngờ chị Hai trong nhà, bình luận phía dưới bức ảnh: “Bác sĩ dặn kiêng ngọt, ba mẹ uống sữa không đường lâu rồi, ra tiệm đổi lại đi”. Cô gái út có vẻ “nhột”, sau đó cũng gỡ luôn dòng chia sẻ trên mạng.
2. Anh chị em, rồi dâu rể trong nhà mỗi người một tài khoản mạng xã hội, thường xuyên đăng tải hình ảnh gia đình, hoặc viết những bài viết yêu thương dành cho ba mẹ, gắn tên các thành viên vào, để mạnh ai nấy like như cách để thể hiện sự hiếu thảo, cảnh đó giờ đâu có hiếm.
“Công việc bận rộn nên tôi cũng ít về thăm nhà, thường dịp lễ, tết được nghỉ nhiều thì mới về quê, nhưng vẫn theo dõi và gọi điện thoại để hỏi thăm ba mẹ. Có khi anh chị hoặc mấy đứa cháu ở quê chụp hình ba mẹ gửi tôi xem, thỉnh thoảng tôi cũng đăng lên trang cá nhân, viết vài dòng chia sẻ về gia đình để bạn bè biết thêm một chút thôi”, Thu Hoài (26 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận 5) cho biết. Ngại, lúng túng, không quen… bày tỏ lời yêu thương trực tiếp với ba mẹ, nhiều bạn trẻ xem mạng xã hội như cầu nối, để thể hiện tình cảm với gia đình. Nguyễn Hải Nguyên (24 tuổi, nhân viên kỹ thuật máy tính, ngụ quận Tân Bình) kể: “Cũng không biết phải nói thế nào, thể hiện làm sao, tôi cảm thấy rất ngại và không quen khi trực tiếp nói lời yêu thương ba mẹ. Tôi chủ yếu thể hiện bằng hành động, như mua quà, đưa ba mẹ đi du lịch và thỉnh thoảng tôi cũng viết những dòng yêu thương ba mẹ trên Facebook”.
Có thể vì khoảng cách thế hệ, ba mẹ không thể lúc nào cũng hiểu hết suy nghĩ hay tâm sự với con cái về mọi chuyện. Và guồng quay của công việc, những mối quan hệ cá nhân…, đôi lúc khiến chúng ta quên mất việc trò chuyện cùng ba mẹ, dù chỉ là những câu chuyện phiếm. Người trẻ liệu có biết đó cũng là cách thể hiện sự quan tâm, yêu thương dành cho đấng sinh thành, để họ cảm thấy con cái luôn bên mình. Bày tỏ sự yêu thương gia đình qua mạng xã hội không phải là một việc làm không hay. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng chỉ là cầu nối thêm để các thành viên trong nhà kết nối với nhau nhiều hơn, chứ không thể thay thế những cử chỉ quan tâm, sự chăm sóc mà con cái phải có bổn phận với ba mẹ.
Chúng ta có thể nói lời yêu thương với bạn trai/bạn gái thì tại sao lại ngại khi bày tỏ tình cảm với ba mẹ, và nếu không phải là bây giờ thì bao giờ mới là lúc để bạn thể hiện sự yêu thương đó? Khi bạn lớn thêm một tuổi, cũng là lúc ba mẹ già thêm một tuổi, hãy bày tỏ sự hiếu thảo của mình khi còn có thể.
Theo THIÊN THANH (Sài Gòn Giải Phóng)