Cách đây tròn 50 năm, vào thời khắc lịch sử 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, những chiếc xe tăng của quân Giải phóng hiên ngang tiến vào Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng ngày 30/4/1975 là bản hùng ca bất diệt của chiến tranh Nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh, kết thúc hơn 2 thập kỷ kháng chiến gian khổ, oanh liệt chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta. Đây là trang sử hào hùng, tiếp nối truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta qua hàng ngàn năm.
Đại hội lần thứ IV của Đảng đã khẳng định tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện này: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Sự thật lịch sử là hiển nhiên, không một ai có thể phủ nhận. Cộng đồng quốc tế đã chia sẻ niềm vui chiến thắng với dân tộc Việt Nam, xem đó như một thắng lợi chung của những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những kẻ cố tình ngụy biện, bịa đặt, phủ nhận những thắng lợi vĩ đại mà dân tộc ta đã giành được bằng xương máu và ý chí kiên cường. Một trong những luận điệu xuyên tạc thường thấy là phủ nhận tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta. Họ cố tình đánh đồng cuộc chiến này với một cuộc “nội chiến” vô nghĩa hoặc xuyên tạc rằng miền Bắc “xâm lược” miền Nam. Đây là sự bóp méo trắng trợn lịch sử. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc chiến chính nghĩa, mang tính chất giải phóng dân tộc sâu sắc. Nó xuất phát từ khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do và thống nhất đất nước của toàn thể Nhân dân Việt Nam, sau bao nhiêu năm ròng rã dưới ách đô hộ của thực dân và sự can thiệp của đế quốc. Hiệp định Geneva năm 1954 đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm và thế lực bên ngoài phá hoại, đẩy đất nước ta vào cảnh chia cắt đau thương. Cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, là sự tiếp nối truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, nhằm thực hiện quyền tự quyết thiêng liêng và thống nhất non sông.

Trưa 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng tiến vào dinh Độc lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn khi đó - đánh dấu sự kiện lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu
Những kẻ xuyên tạc còn cố tình tô vẽ, thần thánh hóa chế độ Việt Nam Cộng hòa, coi đó là một “quốc gia tự do, dân chủ” và phủ nhận những áp bức, bất công, sự lệ thuộc vào ngoại bang mà chế độ này gây ra cho Nhân dân miền Nam. Thực tế lịch sử đã chứng minh, chính quyền Việt Nam Cộng hòa là một công cụ của chủ nghĩa thực dân mới, dựa vào sự viện trợ và chỉ đạo của Mỹ để đàn áp phong trào yêu nước, chia rẽ dân tộc. Những cuộc đàn áp dã man, những nhà tù tàn khốc như Côn Đảo, Phú Quốc là minh chứng rõ ràng cho bản chất phản dân tộc của chế độ này.
Một luận điệu sai trái khác là cố tình gây chia rẽ, khoét sâu vào những vết thương chiến tranh, thổi phồng những mất mát của một bộ phận người dân miền Nam sau ngày thống nhất. Chúng ta không bao giờ phủ nhận những khó khăn, mất mát mà chiến tranh gây ra cho cả 2 miền đất nước. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một cách khách quan, thống nhất đất nước là nguyện vọng chung của toàn dân tộc, là điều kiện tiên quyết để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Những chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc sau năm 1975 đã thể hiện tinh thần nhân văn, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai của Đảng và Nhà nước ta.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để chúng ta khẳng định giá trị lịch sử vĩ đại của sự kiện này. Đó là thắng lợi của ý chí độc lập, tự cường, của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thắng lợi này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta, kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và đi lên CNXH. Những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong 50 năm qua trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội là minh chứng hùng hồn cho con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn.
Chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh phản bác mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc lịch sử; bảo vệ sự thật, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và sự đoàn kết thống nhất của dân tộc. Mỗi người dân Việt Nam cần trang bị cho mình kiến thức lịch sử đúng đắn, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc kháng chiến chính nghĩa, để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc và trân trọng những thành quả của ngày hôm nay.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp để tưởng nhớ quá khứ, mà còn là động lực để chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam nằm ở sự đoàn kết, thống nhất và lòng yêu nước nồng nàn. Chúng ta hãy cùng nhau giữ vững và phát huy sức mạnh đó để xây dựng một Việt Nam hùng cường!
MINH THƯ