Sức bật Chợ Mới

30/04/2020 - 03:46

 - Huyện Chợ Mới - nơi đầu tiên treo lá cờ đỏ búa liềm của Đảng Cộng sản Việt Nam chào mừng sự ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh An Giang vào tháng 4-1930 và cũng là nơi cuối cùng của tỉnh An Giang nói riêng, miền Nam nói chung được giải phóng vào ngày 6-5-1975.

Sức bật Chợ Mới

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân trao bằng công nhận xã Long Kiến đạt chuẩn nông thôn mới

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, huyện, sự đồng lòng của nhân dân, sau 45 năm giải phóng, Chợ Mới đã vươn mình đưa kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc; trở thành địa phương đi đầu của tỉnh và khu vực ĐBSCL trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xứng đáng với 2 danh hiệu cao quý được phong tặng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Trong niềm vui đón mừng hòa bình thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Chợ Mới phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp. Từ chiến đấu chuyển sang nhiệm vụ xây dựng chính quyền, thực hiện mạnh mẽ hiệu lực quản lý nhà nước, quân và dân Chợ Mới đoàn kết một lòng bảo vệ thành quả cách mạng, chung sức xây dựng cuộc sống mới. Chính quyền cách mạng nhanh chóng cứu trợ đồng bào nghèo, thiếu ăn, tổ chức lại sản xuất, làm thủy lợi phục vụ sản xuất…

Đến tháng 2-1976, thời kỳ quân quản hoàn thành, Chợ Mới được nhập về tỉnh An Giang. Các chức danh chủ chốt được kiện toàn, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong xây dựng chính quyền nhân dân các cấp. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ tỉnh An Giang, huyện Chợ Mới nhanh chóng thực hiện chính sách đổi mới kinh tế, mở đường giải phóng sức sản xuất, trước hết là trong nông nghiệp.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ huyện Chợ Mới đặt ra nhiệm vụ tập trung “giải phóng” sức sản xuất. Huyện tiến hành quy hoạch phân vùng sản xuất (3 vùng) phù hợp điều kiện để khai thác thế mạnh về canh tác màu và cây ăn trái bên cạnh cây lúa.

Chọn khâu đột phá xây dựng công trình thế kỷ “bẻ nạng chống trời”: hệ thống đê bao kiểm soát lũ cho 76 tiểu vùng với tổng diện tích 26.000ha, thực hiện từ năm 1995, hoàn thành vào năm 2000, kinh phí trên 90 tỷ đồng, với nhiều ý nghĩa về kinh tế mang lại cho nhân dân, tạo thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, tăng vòng quay của đất, trên 20ha có đê bao sản xuất quanh năm...

Cơn lũ năm 2000 ập đến, những vùng đê bao khép kín vững chắc trở thành “thành lũy”, đảm bảo thu hoạch được vụ 3 và làm “thay da đổi thịt” vùng cù lao, tạo tiền đề vững chắc cho địa phương phát triển sau này.

Và, sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện những năm cuối thế kỷ XX được xem là kỳ tích rất đáng trân trọng, tự hào. Nhờ vậy năm 2000, Đảng bộ, và nhân dân huyện Chợ Mới vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Từ công trình này, nông nghiệp Chợ Mới bắt đầu chuyển từ sản xuất lúa 2 vụ lên 3 vụ bảo đảm ăn chắc, rau màu sản xuất quanh năm. Khâu đột phá thứ 3 là nhựa hóa giao thông nông thôn từ năm 2000-2002 trên tổng chiều dài 154km, kinh phí trên 40 tỷ đồng, tạo thuận lợi giao thương, trao đổi hàng hóa.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu chia sẻ, 3 khâu đột phá trong nông nghiệp Chợ Mới là những chủ trương của “ý Đảng lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc cho huyện phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, triển khai các chủ trương “dài hơi” về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ. Từ một huyện thiếu đói, đến nay thu nhập bình quân đầu người chạm ngưỡng 52,4 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất bình quân đất cây hàng năm đạt 320 triệu đồng/ha.

Ông Hiếu cho biết, nếu trước đây, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa, thực hiện chủ trương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả nhường chỗ cho cây ăn trái và cây màu có giá trị kinh tế cao. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả tích cực.

Đến nay, đã chuyển dịch từ lúa sang màu, cây ăn trái được trên 7.611ha; đưa vào vận hành hệ thống thủy lợi tưới nhỏ giọt 540ha trên cây xoài tại 3 xã cù lao Giêng, tưới phun sương 80ha trên rau màu tại xã Kiến An. Trong đó, 438ha xoài được chứng nhận VietGAP đã xuất khẩu sang các thị trường như: Úc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Huyện được Trung ương đầu tư dự án kiểm soát lũ vùng đê bao Nam Vàm Nao 1.200 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, mang lại hiệu quả to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Võ Nguyên Nam, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới với 9/16 xã đạt chuẩn, phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2022. Diện mạo nông thôn của huyện có nhiều thay đổi đáng kể. Các lĩnh vực: thương mại - dịch vụ, du lịch phát triển; văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được đầu tư phát triển.

Cùng với giữ gìn đoàn kết thống nhất trong nội bộ, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh: từ 58 đảng viên năm 1975, đến nay toàn huyện có 60 tổ chức cơ sở Đảng, với 7.148 đảng viên (chiếm 2,3% dân số). Dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng, tạo thuận lợi cho nhân dân tham gia xây dựng Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ; đào tạo, xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau.

HẠNH CHÂU