Sức lan tỏa từ Hội thi báo cáo viên giỏi của Đoàn

23/07/2019 - 07:29

 - Từ thành công lần thứ I, Hội thi báo cáo viên cấp tỉnh của Đoàn Thanh niên lần thứ II-2019 đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo thí sinh là báo cáo viên cấp tỉnh của Đoàn, cán bộ Đoàn chủ chốt các đơn vị, địa phương tham dự. Hội thi không chỉ nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên của Đoàn, mà còn góp phần tuyên truyền, thông tin thời sự, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… nhằm hướng đến một xã hội học tập hoàn thiện, phát triển.

Trong thời gian 1 ngày, 20 báo cáo viên đã cùng nhau tranh tài với nhiều nội dung như: việc sử dụng mạng xã hội đúng cách trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hiện nay; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; thực tiễn công tác cải cách hành chính tại tỉnh; giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên lòng, lề đường và khi tham gia giao thông; 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đây là dịp để đội ngũ báo cáo viên, cán bộ Đoàn các cấp nắm vững các quan điểm, mục tiêu, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp, đặc biệt là Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh An Giang lần thứ X. Hội thi còn nhằm trao đổi kinh nghiệm, chủ động nghiên cứu các giải pháp mang tính sáng tạo, khả thi, hiến kế cho công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên tỉnh nhà; giúp cán bộ Đoàn các cấp nâng cao kiến thức xã hội, các vấn đề về thanh niên và công tác thanh niên, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp công tác Đoàn.

Hội thi góp phần xây dựng xã hội học tập thông qua đội ngũ báo cáo viên giỏi của Đoàn

Bước vào hội thi, báo cáo viên trải qua 2 phần thi: báo cáo chuyên đề và xử lý tình huống. Với phần thi báo cáo chuyên đề, các thí sinh được sử dụng các công cụ hỗ trợ như: máy chiếu, sơ đồ, hình ảnh để minh họa. Ở nội dung thi này, thí sinh cần trình bày bài báo cáo chuyên đề với giả định đối tượng nghe là ĐVTN ở cơ sở (học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức…) đạt hiệu quả cao nhất. Thời gian tối đa cho phần thi này là 12 phút. Chính giới hạn thời gian này đòi hỏi mỗi báo cáo viên cần phải cô đọng bài báo cáo của mình một cách khái quát và dễ hiểu nhất với người nghe. Đây là một thách thức không nhỏ, nó đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực báo cáo và hội tụ nhiều yếu tố khác về mặt kỹ năng như: thuyết trình, làm chủ sân khấu, giao tiếp… nhờ vậy mà người báo cáo có thêm cơ hội trau dồi bản thân, hoàn thiện những thiếu sót. Phần thi thứ hai là xử lý tình huống, các thí sinh phải trả lời từ 1-2 câu hỏi của ban giám khảo trong thời gian 3 phút. Việc này đòi hỏi báo cáo viên cần xử lý tốt những tình huống đặt ra trên sân khấu và liên hệ thực tiễn nơi mình sống và làm việc.

Qua những giờ tranh tài sôi nổi, ban giám khảo hội thi đánh giá cao phần chuẩn bị và báo cáo của các thí sinh. Một số thí sinh chuẩn bị đề cương rất công phu, có chất lượng, nội dung, bố cục chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có sự gắn kết, liên hệ nội dung nghị quyết với thực tiễn địa phương, đơn vị báo cáo viên công tác. Đối với phần thi thuyết trình, hầu hết các thí sinh thể hiện tốt khả năng truyền đạt, phong cách của báo cáo viên, trình bày đủ, đúng nội dung. Hầu hết, báo cáo viên đều sử dụng trình chiếu powerpoint trong quá trình thuyết trình, góp phần tạo thêm kênh thông tin phong phú, tác động sinh động tới người nghe, nâng cao hiệu quả của bài thuyết trình. Qua đó cho thấy các thí sinh đã nỗ lực thể hiện được bản lĩnh chính trị, sự tâm huyết, nhiệt tình và niềm đam mê trong công tác tuyên truyền miệng.

 Có thể nói, đây là dịp giúp Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đánh giá thực chất về năng lực, trình độ và khả năng của báo cáo viên cấp mình quản lý để có kế hoạch bồi dưỡng và sử dụng, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình mới.

Bài, ảnh: PHAN LƯƠNG