Trong thời đại công nghệ 4.0, mạng xã hội trở nên không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày từ thành thị đến nông thôn. Có rất nhiều trang mạng xã hội được sử dụng phổ biến, như: Facebook, Zalo, Twitter, Instagram, TikTok, YouTube... được tích hợp nhiều tính năng, tiện ích: Chat, video, hình ảnh, đọc báo, kết bạn, chơi game... nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, chia sẻ và kết nối thông tin của tất cả mọi người.
Mạng xã hội trở thành nơi cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, giúp người sử dụng nắm bắt được các xu thế của đời sống, phục vụ cho công việc và cuộc sống. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội có nhiều trang dạy kỹ năng, như: Ngoại ngữ, nấu ăn, sửa chữa, giao tiếp, tâm lý, thể thao…
Ngoài ra, mạng xã hội cho phép người dùng có thể dễ dàng kết nối, tương tác chia sẻ tình cảm, niềm vui, nỗi buồn với bạn bè, gia đình, cộng đồng. “Tôi theo học ngành du lịch nên thường xuyên tìm hiểu về ngành học trên Internet. Bên cạnh, tôi tham gia các hội nhóm được các anh chị khóa trên lập ra nhằm chia sẻ nội dung học tập. Hiện, các bài chia sẻ về những chuyến đi du lịch của mọi người được đăng tải lên các trang mạng xã hội giúp tôi bổ sung thêm nhiều kiến thức. Không chỉ vậy, tôi còn có thể học thêm được nhiều kỹ năng thông qua các video chỉ dẫn trên YouTube” - bạn Nguyễn Thị Phương Linh (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Cư dân mạng “like,”, “share” trên mạng xã hội Facebook
"Cùng với những tiện ích, mạng xã hội vẫn tồn tại những mặt trái. Điển hình như vẫn còn rất nhiều thông tin, hình ảnh, video có nội dung xấu độc, đồi trụy, bạo lực, sai sự thật, xúc phạm danh dự của người khác, cách ứng xử lệch lạc, mê tín dị đoan trái vi phạm quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục và những thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, tâm lý “like”, “share”, bình luận vội vã của nhiều cư dân mạng là một điều rất dễ bắt gặp. Nếu như công dụng của nút “like”, “share” đơn giản để người sử dụng mạng xã hội thể hiện sự hưởng ứng, đồng tình, đồng cảm đối với mỗi cập nhật trạng thái và chia sẻ những thông tin, hình ảnh, video của người thân, bạn bè; thì ngược lại, nhiều người sử dụng nút “like”, “share” và bình luận một cách vô cảm theo số đông” - em Nguyễn Hoàng Yến (TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Chỉ cần Facebook xuất hiện một thông tin gì đó “hot”, như: Tai nạn giao thông, đánh ghen, ngược đãi trẻ em, quán ăn chặt chém, đời tư người nổi tiếng… ngay lập tức sẽ xuất hiện rất nhiều lượt “like”, “share” kéo theo đó là các thông tin bình luận xung quanh.
Mặc dù có rất nhiều lời bình luận ngay sau một bài viết nào đó, nhưng chưa chắc tất cả người “like”, “share” này đã đọc hay hiểu ý nghĩa nội dung bài viết. Chỉ đơn giản là thấy quá nhiều người “like”, “share” và bình luận phê phán, chê bai hay khen ngợi nên tham gia cho vui. Không ít người còn khen, chê dựa vào thái độ những người trước đó. Thậm chí, có những bình luận thô tục, những trào lưu “ném đá”, chê bai, mắng chửi dù không quen biết và chẳng liên quan.
Không ít người nhàn rỗi, hàng ngày có thể bỏ ra thời gian để lướt điện thoại tìm thông tin “nóng” trên các trang mạng xã hội rồi “like”, “share” và bình luận bày tỏ quan điểm theo kiểu "hóng hớt" bên lề. “Trên các trang mạng xã hội, tôi thấy nút “like” được dùng phổ biến nhất. Nhưng thực sự nhiều lúc đọc những bài được “like”, “share” nhiều mà không hiểu vì sao mọi người lại bấm “like”, “share” nữa” - chị Lê Thị Huỳnh Hoa (ngụ huyện Phú Tân) chia sẻ.
Chính sự ủng hộ vô tâm bằng cách bấm “like”, share” càng nhiều của cư dân mạng đôi khi vô tình làm cho những thói quen xấu được ủng hộ, lan tỏa càng nhiều tạo nên lối sống ảo, dẫn đến hệ lụy khó lường. Chẳng hạn, thời gian trước, một thanh niên tự thiêu ở cầu Tân Hóa (TP. Hồ Chí Minh) sau khi đăng dòng trạng thái: "Đủ 40k like tôi đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem". Chàng trai “cần 40.000 like để tự thiêu, nhảy cầu" đã tự tẩm xăng đốt chính mình rồi nhảy cầu Tân Hóa trước sự bàng hoàng của hàng trăm người. Và còn rất nhiều trường hợp khác vì câu “like”, “share” nguy hiểm khác nữa.
Bấm nút “like”, “share” và bình luận rất dễ dàng và không tốn thời gian. Tuy nhiên cũng đừng vì thế mà quá lạm dụng. Cần xem xét kỹ trước khi ủng hộ, hãy biết khi nào nên bấm “like”, “share” và bình luận, khi nào thì không. Bởi những suy nghĩ và các thao tác nhỏ tưởng chừng vô hại, lại dẫn tới những hành động có thể ảnh hưởng tới đời sống, thậm chí là tính mạng con người và trật tự an toàn xã hội.
Mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống mỗi người chúng ta. Vì vậy, đòi hỏi người tham gia sử dụng mạng xã hội phải bình tĩnh, cẩn trọng tiếp nhận thông tin thực của những thông tin mà mình quan tâm. Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, ứng xử đúng mực, có văn hóa và suy nghĩ kỹ trước khi bấm “like”, “share” và bình luận trên mạng xã hội. Có như vậy, mạng xã hội mới thực sự trở thành công cụ hữu ích và môi trường lành mạnh trong cuộc sống của chúng ta.
TRỌNG TÍN