Tác hại thế giới ảo đối với trẻ em

03/10/2023 - 06:35

 - Chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, trẻ em có thể vô tư lướt web, chơi game, vào các trang mạng xã hội để “like”, “share”, bình luận... Tốn quá nhiều thời gian vào thế giới ảo, trẻ dễ xa rời thực tế, mất kiểm soát hành vi bản thân, hậu quả khó lường.

Các thử thách trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến sức khỏe khi trẻ làm theo

Các trang mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok… xuất hiện tại Việt Nam, trở thành nơi chia sẻ trạng thái hỉ, nộ, ái, ố của nhiều người. Sẽ chẳng có gì để nói nếu như nó được sử dụng đúng mục đích, nhưng một số trào lưu sống ảo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến, khiến không ít bạn trẻ, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng và hành động theo hướng tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, mạng xã hội còn xuất hiện nhiều video clip có nội dung ghê rợn, bạo lực, thậm chí hướng dẫn người xem cách tự làm hại bản thân, xúi giục thử thách sinh tồn trong những tình huống nguy hiểm...

Những nội dung phản cảm như vậy là mối hiểm họa vô cùng lớn đối với trẻ em, vì đây lứa tuổi chưa đủ nhận thức để phân biệt các hành vi an toàn và không an toàn. Khi xem những chương trình có nội dung độc hại, ngoài việc bắt chước làm theo rất nguy hiểm, trẻ nhỏ có thể sẽ bị ám ảnh về tâm lý dẫn đến trạng thái bất an, căng thẳng, rối loạn hành vi, thậm chí trầm cảm và có thể tự hủy hoại bản thân.

Chị Lê Thị Hồng Nhung (TP. Châu Đốc) có con trai đang học lớp 6, lo lắng trước mặt trái của mạng xã hội. “Sống ảo trên mạng xã hội nhưng hậu quả thật, đã có những trẻ em trộm cắp, gây thương tích khai báo là do bị kích thích và bắt chước, làm theo các video clip trên mạng. Cũng có những trẻ vị thành niên rơi vào ma túy, bỏ học, đua đòi, chơi bời lêu lỏng vì kết bạn với những người xấu trên mạng xã hội” - chị Nhung chia sẻ.

Có cùng suy nghĩ, chị Trần Thị Ngọc Trân (huyện Phú Tân) chia sẻ: “Trẻ em hiện nay lao vào thế giới ảo một cách mù quáng, có thời gian rảnh là lên mạng xã hội. Điều đáng nói hơn, nhiều gia đình hiện nay đang rơi vào tình trạng, mọi người sống trong một nhà nhưng mạnh ai nấy “ôm” điện thoại, tâm sự với bạn bè trên mạng, trong khi những người thân xung quanh thì không ai quan tâm, nói chuyện với ai”.

Bên cạnh mạng xã hội, trào lưu sống ảo đã xuất hiện trong các game online. Những trò chơi trực tuyến dường như có một sức hấp dẫn khiến cho nhiều người trẻ, nhất là các trẻ em ở lứa tuổi học sinh bị nghiện. Những hình ảnh đồ họa sinh động, bắt mắt, mới lạ, hợp với tính cách giới trẻ là điều mà các trò chơi điện tử đã làm được. Game thủ như được sống trong một thế giới hoàn toàn khác, nơi có đầy đủ gia đình, bạn bè, người yêu, vợ… “ảo”, có các thử thách và phần thưởng liên tục xuất hiện để các game thủ tiến sâu hơn.

Càng chơi, game thủ càng thích thú, tò mò hơn, thỏa mãn tính hiếu thắng khi chơi, rất phù hợp với tâm lý tuổi mới lớn, ưa khám phá, thích thú trước những điều mới lạ. Đang say mê chơi một game online, em Trần Minh Hạo (14 tuổi, ở TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Khi chơi game, em cảm thấy bản thân là một người khác. Nhân vật trong game sống thay cho mình trong thế giới ảo. Ở đây, mình khẳng định bản thân những lần lên cấp, bằng những trang bị khủng làm đối thủ phải ngưỡng mộ, bạn bè, người yêu phải nể phục mình”.

Anh Nguyễn Văn Tùng (quản lý một cửa hàng game online ở TP. Long Xuyên) cho biết, có rất nhiều trò chơi điện tử, gồm những trò liên quan đến đánh nhau, kích thích người chơi phải giành được chiến thắng. Những trò khác có sự cạnh tranh, tạo ra sự ganh đua giữa những người chơi với nhau. Một số trò liên quan đến sự thông thái, tạo cho người chơi cảm giác có nhiều quyền lực giống như vua trong một vương quốc ảo.

Với những trò chơi khám phá, người chơi mong muốn khám phá ra những nơi mới và những điều bí mật, buộc người chơi phải tham gia đến khi kết thúc để xem kết cục của câu chuyện. Ngoài ra, một số trò chơi có phần tích lũy điểm, điểm thưởng và yêu cầu người chơi phải cập nhật, tham gia chơi hàng ngày, nếu bỏ vài ngày không chơi sẽ bị trừ điểm. Vậy nên các game thủ đều phải cố gắng truy cập để chơi hàng ngày nếu không muốn bị rớt hạng, tụt điểm, nếu đã chơi thì sẽ rất khó thoát ra được.

Theo một số kết quả nghiên cứu, nếu trẻ em tiếp xúc sớm với điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính liên tục nhiều giờ trong ngày sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, kém linh hoạt, dễ béo phì. Trẻ còn bị ảnh hưởng về tâm lý và nhận thức, gia tăng dấu hiệu trầm cảm, giảm khả năng tập trung và trí nhớ, dễ rối loạn về mắt. Từ môi trường ảo, trẻ có thể bị rối loạn về cảm xúc, nếu không được đáp ứng đúng yêu cầu, có thể trở nên hung hăng, dùng bạo lực để chống đối lại người thân, gia đình và xã hội. Do vậy, cần gắn kết gia đình, người thân, tổ chức các hoạt động ngoài đời thực để trẻ không quá sa đà vào thế giới ảo.

TRỌNG TÍN