Tái cơ cấu nền kinh tế - Chuyện cần làm ngay

05/11/2021 - 14:22

 - Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng và bất định, đặc biệt kể từ khi chịu sự ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19, rất nhiều vấn đề cấp bách phải làm ngay. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn mới là cần thiết, phù hợp với bối cảnh mới đặt ra.

Khắc phục khâu yếu, mặt yếu

Theo Chính phủ, qua 5 năm thực hiện cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, có 17/22 mục tiêu đã hoàn thành. Đặc biệt, 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so mục tiêu đề ra; chất lượng tăng trưởng nâng lên; kinh tế chuyển dịch đúng hướng; năng suất lao động được cải thiện; quản lý nợ xấu, nợ công có nhiều tiến bộ… Từ đó, bộ mặt xã hội, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.

Tuy nhiên, việc không hoàn thành 5 mục tiêu (chiếm 22,7% tổng số mục tiêu đề ra) cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công, như: cơ cấu lại doanh nghiệp (DN) nhà nước, đầu tư công, phát triển DN và đào tạo lao động. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc không hoàn thành các mục tiêu này ảnh hưởng đến kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và việc xác định các mục tiêu trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025. ĐBQH Chau Chắc (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) đề nghị Chính phủ tập trung khắc phục những khâu yếu, mặt yếu, tồn tại trong giai đoạn 2016-2020; quyết liệt triển khai thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2025 ngay từ những năm đầu, tránh chậm trễ tiến độ.

Ông Chau Chắc băn khoăn: “Khoảng 1,3 triệu người dân ĐBSCL di cư trong 10 năm qua, tương đương 1 tỉnh trong vùng. Mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 200.000 người, trong đó 2/3 là người nhập cư. Tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa qua cho thấy áp lực rất lớn về an sinh xã hội, việc làm, y tế, giao thông, an ninh trật tự… Do đó, cơ cấu kinh tế nói chung, cơ cấu không gian kinh tế nói riêng, phải chú ý vấn đề “ly nông không ly hương”. Nếu chúng ta không tính từ xa, ắt hậu quả khó lường, tiêu cực về môi trường, về phòng tránh sơ tán khi đột biến xảy ra, về y tế - dịch bệnh, về giao thông, an sinh xã hội, cả về quốc phòng - an ninh… Tôi đề nghị cần quan tâm sâu sắc đề xuất nêu trên. Để thực hiện tốt nội dung này, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa cơ cấu nông nghiệp với cơ cấu công nghiệp và dịch vụ gắn với cơ cấu thị trường lao động”.

Trăn trở về tái cơ cấu nông nghiệp

Thông qua quá trình tái cơ cấu, ngành nông nghiệp ngày càng chuyển dịch theo hướng tích cực, chất lượng, hiệu quả, ngày càng khẳng định được vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đến từ sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, cạn kiệt về tài nguyên, tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu…

Giữ vai trò đặc biệt quan trọng về an ninh lương thực cho cả nước, nhưng ĐBSCL luôn đối mặt với khó khăn, bất ổn. Cử tri ĐBSCL, trong đó có An Giang luôn trăn trở: Làm sao phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững? Theo phân tích của Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương, tích tụ đất đai được xem là tiền đề để phát triển kinh tế hộ gia đình trong quá trình quá độ, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp lên sản xuất lớn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 26% hộ có từ 0,5 - 2ha đất; 63% hộ nông dân có diện tích đất nhỏ hơn 0,5ha. Dù nhà nước có chủ trương, chính sách tích tụ đất theo quy mô lớn, vấn đề này chưa chuyển biến mạnh, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nông dân DN.

Mặt khác, năm 2021, ghi nhận giá phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất không ngừng tăng cao, vô hình chung đẩy nông dân vào thế “đã khổ, nay còn khổ hơn”. Từ đó, đặt ra nhiều thách thức cho nông dân trong việc duy trì sản xuất, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực quốc gia và phát triển của khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, hầu hết nông sản Việt chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, thậm chí nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới thông qua thương hiệu của nước ngoài. Nông nghiệp Việt Nam đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, tuy nhiên, đa số nông sản chỉ xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị còn thấp.

“Chưa kể, nông dân làm ra hàng hóa nông sản từ cọng hành đến củ khoai, cây trái đều mong được bán một cách sòng phẳng, chứ không mong được “giải cứu”. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những mô hình mới, trên cơ sở kết nối cung - cầu một cách chính quy, chuyên nghiệp, vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng, vừa nâng niu giá trị của nông sản Việt. Lúc ấy, người tiêu dùng bỏ tiền ra mua sản phẩm, không chỉ vì giúp nông dân, mà còn vì họ cần những sản phẩm này cho sức khỏe quyền lợi của chính mình” - bà Trần Thị Thanh Hương bày tỏ.

Kiến nghị đến Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất tháo gỡ khó khăn một cách căn cơ. Trong đó, cần thu hút đầu tư vào nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao; nhân rộng cách làm mới, mô hình sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao, nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Ban hành chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới; xem việc tổ chức sản xuất một cách phù hợp là khâu đột phá để phát triển nền nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với việc hình thành vùng sản xuất lớn…

GIA MINH