Dường như sự khác biệt để bổ khuyết cho nhau không phải yếu tố duy nhất gắn kết các cặp đôi SHUTTERSTOCK
Theo The Time, năm 1987, nhóm khoa học từ Đại học Michigan (Mỹ) bắt đầu nghiên cứu hiện tượng các cặp vợ chồng trông giống nhau hơn theo thời gian. Lý thuyết của họ, vẫn được nhiều nhà khoa học trích dẫn ngày nay, lý giải rằng là do vợ chồng nhiều năm chia sẻ cảm xúc, dần dần tạo thành những tương đồng về nếp nhăn và biểu hiện mặt. Nhưng làm thế nào để giải thích chuyện nhiều cặp ngay từ đầu đã rất giống nhau rồi?
Thật ra, có cơ chế tâm lý đằng sau điều đó. Các nhà khoa học cho rằng con người chúng ta có xu hướng tìm kiếm đối tác trông giống mình. Sự hấp dẫn ở đây không phải do những khác biệt mà là do sự quen thuộc.
Justin Justinmiller, một nhà tâm lý học xã hội và nghiên cứu tại Viện Kinsey (Mỹ) nói với The Time: “Những gì quen thuộc với chúng ta có xu hướng trở thành những gì chúng ta thích và bị thu hút. Bạn quen với vẻ ngoài của chính mình, vì vậy nhìn thấy những người khác có đặc điểm tương tự dễ khiến bạn yêu thích”. Ông cũng cho biết thêm rằng logic cơ bản này thường nằm trong tiềm thức.
Một nghiên cứu năm 2013 đã ủng hộ tuyên bố của Lehmiller, theo The Time. Trong nghiên cứu ấy, những người tham gia đánh giá các hình ảnh. Kết quả cho thấy, hình tổng hợp giữa khuôn mặt lạ kết hợp với nét của chính người tham gia được họ cho là hấp dẫn hơn so với các đặc điểm mặt ghép từ các nét hoàn toàn xa lạ.
Ngoài ra, sự hấp dẫn còn liên quan đến sự giống nhau về di truyền. Tờ The Time đã trích dẫn một số nghiên cứu phát hiện ra người vợ hoặc chồng có xu hướng giống nhau hơn về mặt di truyền so với người lạ.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu chia sẻ, điều này có thể thay đổi vì hẹn hò trực tuyến. Tương lai, các cá nhân không còn bị giới hạn trong một nhóm bạn tình giống nhau về mặt địa lý nữa. Và do đó, rất khó để dự đoán các mô hình thu hút nhau ở thì tương lai.
Theo TẠ BAN (Thanh Niên)