Tạm biệt năm 2021!

31/12/2021 - 07:56

 - Đại dịch COVID-19 như bài kiểm tra lớn đối với khả năng thích ứng của chính quyền, doanh nghiệp (DN), người dân. Tác động của dịch bệnh nặng nề, nhưng đồng thời là bài học, kinh nghiệm quan trọng cho giai đoạn phát triển mới. Nếu thích ứng tốt, chủ động, linh hoạt thì “nguy” sẽ hóa thành “cơ”. Cùng nhìn lại và tạm biệt năm 2021 đầy trải nghiệm, thách thức, để kỳ vọng vào khởi đầu mới, thành công mới!

Ảnh: GIA KHÁNH

“Dĩ bất biến ứng vạn biến”

Đây là bài học lớn nhất sau những đợt dịch COVID-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4. DN đăng ký thành lập mới năm 2021 giảm 31,2% so năm 2020; rất nhiều DN phải ngừng hoạt động (số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng gần 16,5%) hoặc sản xuất cầm chừng. Phương án “3 tại chỗ” tỏ ra kém hiệu quả khi gánh nặng chi phí tăng, năng suất giảm. Trong thời gian dài, cách hiểu chưa thống nhất về “hàng hóa thiết yếu”, về “nhu cầu thật sự cần thiết”, khiến lưu thông hàng hóa bị gián đoạn; việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn.

Trong bối cảnh đó, An Giang thành lập tổ phản ứng nhanh nông nghiệp, kết nối kênh tiêu thụ nông sản, kết nối khu vực, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa; linh hoạt cho DN cách ly, điều trị F0 tại chỗ (xử lý hẹp từng khu vực sản xuất chứ không đóng cửa toàn nhà máy khi có F0), áp dụng “4 xanh” thay cho phương án “3 tại chỗ”… Nhờ vậy, phần nào tháo gỡ vướng mắc, phục hồi sản xuất - kinh doanh (SXKD). Tiếp nối Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 692/KH-UBND về phục hồi và phát triển KTXH trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang. Kế hoạch đề ra giải pháp ứng phó chi tiết, cụ thể theo từng tình huống; khắc phục tình trạng bị động, lúng túng, quy định kiểu “ngăn sông cấm chợ”.

Kế hoạch 692/KH-UBND là cách điều hành theo tinh thần “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, tức dùng những nguyên tắc hàng đầu về phòng dịch để ứng phó với những biến động không ngừng của dịch bệnh. Dù trong tình huống nào, chúng ta cũng phải bình tĩnh, linh hoạt ứng phó, không nóng vội thay đổi theo cảm tính. Từ đó, đưa ra cách thức hành động phù hợp, để nắm bắt cơ hội phát triển.

Doanh nghiệp vượt khó sản xuất. Ảnh: THANH HÙNG

Lắng nghe và chia sẻ

Những thông điệp rõ ràng của lãnh đạo tỉnh tại buổi đối thoại DN thể hiện rõ tinh thần cầu thị lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng DN. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, sự chung tay, chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn của cộng đồng DN, doanh nhân với cả hệ thống chính trị đã đóng góp thiết thực, hiệu quả, kịp thời về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển KTXH của An Giang.

Đáp lại tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng của cộng đồng DN, UBND tỉnh lãnh, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chính sách, để vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển KTXH. Tỉnh kịp thời hỗ trợ DN bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho SXKD, lưu thông hàng hóa; cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện…

UBND tỉnh An Giang chủ động thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi, phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo toàn diện. Trên tinh thần thích ứng linh hoạt, lâu dài, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đổi mới tư duy từ “cấp phép, cho phép” sang “phục vụ, chăm sóc” DN, nhà đầu tư. “Phải thay đổi từ cách tiếp cận, xử lý thông tin, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, đảm bảo hiệu quả trong từng khâu, từng nhiệm vụ và có sự liên thông, liên kết, đan xen, hỗ trợ nhau giữa các ngành, lĩnh vực. Có như thế mới mong hoạt động đầu tư, SXKD của DN sớm được phục hồi toàn diện và phát triển mạnh mẽ. Có như thế, DN, nhà đầu tư an tâm, tin tưởng vào các cấp chính quyền, tập trung SXKD, góp phần phục hồi và phát triển KTXH nhanh, ổn định, bền vững” - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Những đóng góp ấm áp tình người. Ảnh: GK

“Cái khó ló cái khôn”

Một trong những nét đẹp của văn hóa con người Việt Nam là linh hoạt trong mọi tình huống, “cái khó ló cái khôn”. Nhưng, bình yên quá lâu dường như khiến chúng ta ỷ lại, trì trệ. Đại dịch như cú hích mạnh, làm thay đổi mọi tư duy và hành động. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động tuyên truyền cổ động, triển lãm, thông tin lưu động, thư viện, văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh được điều chỉnh linh hoạt. Đó là linh hoạt nâng chất về nội dung lẫn hình thức; vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo nhiệm vụ được giao, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và rèn luyện thể chất của nhân dân.

Hoạt động giáo dục và đào tạo - lĩnh vực mang đậm nét truyền thống trong giao tiếp trực tiếp - cũng chủ động, linh hoạt thích ứng tình hình dịch bệnh. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong dạy và học có những chuyển biến to lớn, khi triển khai học, kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Việc cung cấp môi trường trực tuyến phục vụ đào tạo và học tập vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

Không để tê liệt ngành du lịch (DL), thế nên, giữa trùng trùng khó khăn, chúng ta nghĩ ngay đến “DL không chạm”. Thật ra, đó là cách áp dụng linh hoạt thông điệp “5K” nâng cao trong quy trình phục vụ DL: Khi triển khai dịch vụ vận chuyển, nghỉ chân, lưu trú, tham quan, ăn uống, du khách đều không tiếp xúc trực tiếp với người dân địa phương, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh. Chúng ta vẫn rất cần đáp ứng nhu cầu vui chơi, DL, hưởng thụ… của chính mình. Vậy thì đáp ứng, nhưng trong tâm thế tự thích ứng, thích nghi và chủ động hơn trước rất nhiều.

Ấm tình đồng bào xứ sở. Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Yêu thương lên ngôi

Một trong những nhân tố quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua là đã khơi dậy được truyền thống yêu nước, ý thức đại đoàn kết, tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, không để ai bị bỏ lại phía sau… Riêng năm 2021, toàn tỉnh vận động ủng hộ trên 80 tỷ đồng của tổ chức, cá nhân đóng góp hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19; xuất hiện rất nhiều mô hình thiết thực, như: “Cây ATM gạo”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, chăm lo an sinh xã hội... Chúng ta đã và đang huy động sức mạnh toàn dân - trong đó có sức mạnh văn hóa - vào việc thiết lập trạng thái bình thường mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển KTXH. 

Hơn 31.000 người dân Việt Nam vĩnh viễn nằm lại ở năm 2020, 2021 vì dịch bệnh quái ác. Sau tất cả, chúng ta nhận ra, yêu thương là điều tồn tại bền vững nhất. Đó là yêu thương chính bản thân mình, giữ gìn sức khỏe, an toàn vượt qua dịch bệnh. Đó là yêu thương, gắn kết gia đình, bởi chỉ chớp mắt, COVID-19 sẽ cướp họ rời xa vòng tay ta mãi mãi. Đó là yêu thương cộng đồng, nhỏ bé thôi, từ cọng rau, mớ gạo, “lời động viên online”… đến những đóng góp, hỗ trợ được đong đếm bằng bao la tình người.

Nhà văn Nguyễn Khải viết: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. “Mùa lạc” rồi sẽ đến, chắc chắn là như thế, khi chúng ta nhìn lại mọi vui buồn, được mất đã qua, tự bước qua ranh giới cũ kỹ chính mình đặt ra, bứt phá vì khao khát mãnh liệt được sống, được phát triển, được trở thành người chiến thắng!

NHÓM PHÓNG VIÊN