“Cổng trời An Giang”
Chính là cổng vào của ngôi chùa Khmer Koh Kas thuộc ấp An Hòa (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Được du khách đặt cái tên mang đậm nét thiêng liêng, để truyền tai nhau tạo nên điểm đến nổi bật không thể bỏ qua khi đến với vùng đất này. Con đường từ cổng vào ngôi chùa uốn lượn như khúc sông nằm giữa 2 hàng cây xanh trải dài trên mặt ruộng, nối từ cổng vào ngôi chùa như một cây cầu nối vào ốc đảo.
Cổng trời nhìn khá cũ kỹ và nhuốm màu thời gian, nằm cách chùa chính hơn 500m bằng một con đường quanh co. Do nằm một mình giữa không gian bao la cùng với phông màu trầm ấm, kiến trúc mang đậm chất hoài cổ mang phong cách kiến trúc Khmer độc đáo nên chỉ cần chọn góc chụp phù hợp là bạn sẽ có được bức ảnh với nền trời cao, núi non phía xa trông cực kỳ ảo diệu. Người dân địa phương gọi là “Cổng thời gian”. Qua bao thăng trầm mưa nắng, chiếc cổng như một chứng nhân của năm tháng, soi chiếu cảnh vật xung quanh cho đến ngày nay.
Được xây dựng trên nền một khu đất rộng, chùa Koh Kas được bao bọc bởi những hàng cây dầu, cây thốt nốt. Đến đây, bạn đừng quên chuẩn bị những trang phục đẹp để khám phá và sống ảo. Không ít gia đình, nhóm bạn ở khắp nơi rủ nhau tìm đến đây để sưu tầm cho mình một bộ ảnh kỷ niệm khó quên.
Bát ngát “Cung đường vàng”
Nếu là người thích khám phá thì khi đến với vùng đất An Giang, ngoài chinh phục các đỉnh núi đều có cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh đẹp giữa trời mây khi đi trên con đường giữa cánh đồng lúa bát ngát, mênh mông, tạo cảm xúc thơ mộng khi thả hồn trên tuyến tránh TP. Châu Đốc (Quốc lộ 91). Tuyến đường này dài 13km, bắt đầu từ phường Vĩnh Mỹ và kết thúc ở xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc).
Từ khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường này đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông trên đoạn đường Quốc lộ 91 tồn tại nhiều năm, nhất là trong dịp lễ, Tết và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Ngoài việc mang lại lợi ích đối với hệ thống giao thông vận tải của tỉnh, con đường này còn góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển với cảnh quan đẹp giữa những cánh đồng bát ngát và đường sá quanh co. Đồng lúa là hình ảnh thân quen, gần gũi, tượng trưng cho làng quê Việt. Hai yếu tố, một hiện đại, một truyền thống, tưởng chừng xa cách lại hòa hợp khó tin.
Con đường đẹp tựa phim cổ trang
Nhắc đến xã Lương Phi (huyện Tri Tôn), không ai có thể bỏ qua được di tích nổi tiếng Ô Tà Sóc. Nằm ngay tại ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy Thất Sơn, mang đậm nét hoang sơ, bình yên nên được du khách yêu thích khám phá. Địa điểm này càng “nổi tiếng” hơn cùng với những con đường nằm giữa khu “thảm xanh” tầm vông từ bên ngoài vào chân núi được mọi người ví như khung cảnh của những bộ phim “cổ trang”.
Tầm vông là cây họ trúc xiêm la, người dân nơi đây đã gắn bó bao đời với nó. Cây tầm vông được sử dụng để sản xuất đồ mỹ nghệ, nhiều người yêu thích vì có độ bền cao, dân dã nhưng rất đẹp… Đặc biệt, trong những năm tháng chiến tranh cây tầm vông còn được sử dụng làm công cụ đánh giặc, hình ảnh này được khắc họa trên tượng đài “phù điêu” dân quân cầm gậy tầm vông như một biểu tượng hào hùng. Bước chân trên con đường qua “khu rừng tầm vông” dù dưới ánh nắng chói chang hay cơn mưa nặng hạt, sẽ cảm nhận được một bầu không khí tươi mát và bình lặng.
Uốn lượn như bay
Không giống như những cung đường nổi tiếng trên, ở dãy Thất Sơn còn có những con đường bình yên và tĩnh lặng. Tuy không rộng lớn nhưng đường trên cánh đồng lúa khu vực Tà Pạ hay trên cánh đồng thốt nốt, xã Núi Tô (huyện Tri Tôn) lại rất nhẹ nhàng, trầm lặng khi quan sát từ trên cao. Các con đường như hình thể một khúc sông hiền hòa đang cố chen qua giữa rừng cây to lớn, được hình thành từ chính bàn tay con người nhưng vẫn mang đậm nét thiên nhiên khi được bao bọc bởi những thảm xanh mát dịu.
Khi bình minh bắt đầu một ngày mới, trong tia nắng ban mai, những con đường dần hiện ra trong khói sương sớm bao phủ tựa những con rồng uốn lượn trên mây, đẹp kỳ vĩ. Thỉnh thoảng xuất hiện nhiều màu sắc khác nhau trong ánh nắng hòa vào sắc núi.
NGUYỄN HƯNG