Khắc phục sạt lở bờ kênh Rạch Giá - Long Xuyên (thuộc xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên)
Sạt lở nhiều nơi
Khoảng 1 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều vụ sạt lở, trong đó một số nơi sạt lở mới, thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản của người dân. Ngày 21/5, tại xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới) xảy ra sạt lở đất bờ sông Hậu dài khoảng 70m, ăn sâu vào đất liền 10m, ảnh hưởng đến xí nghiệp chế biến lương thực xuất khẩu. Ngày 23/5, trên bờ rạch Ông Chưởng (xã Long Giang, huyện Chợ Mới) xảy ra sạt lở đất dài khoảng 20m, ảnh hưởng 3 căn nhà phải di dời…
Khoảng 7 giờ, ngày 24/5, tại tổ 20 (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) xảy ra sạt lở đất bờ sông với chiều dài khoảng 35m, ngang 2m; gây thiệt hại 4 nhà kho và tiệm sửa xe của người dân, buộc phải tháo dỡ và di dời tài sản…
Đến thời điểm này, anh Võ Văn Được (ấp Quốc Khánh, xã Quốc Thái, huyện An Phú) vẫn chưa hết bàng hoàng, khi căn nhà của anh đang ở bị sụp lún xuống sông, 5 người trong gia đình phải sống nương nhờ nhà người em. Từng có cuộc sống ổn định, nhưng hiện nay gia đình anh Được phải lo chỗ ở và cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. “Nhờ phát hiện răn nứt từ trước nên mình kịp dọn đồ, không ảnh hưởng đến tính mạng. Giờ nhà cửa không có, phải ở nhờ nhà người em, thiệt khổ” - anh Được bày tỏ.
Đối với bà Phan Thị Nhan, có nhà nằm trong vùng sạt lở rất nghiêm trọng, nên bà cùng với 4 đứa cháu ngoại phải sống nương nhờ nhà người thân gần đó. Hoàn cảnh của bà Nhan cũng rất khó khăn, chồng bị bệnh nặng, các con đi làm ở tỉnh Bình Dương. Rơi vào hoàn cảnh này, bà Nhan chỉ mong có chỗ ở ổn định.
Anh Nguyễn Đức Linh (chủ của 2 bè nuôi cá gần 10 năm nay) cho biết, 2 bè nuôi cá ở trong khu vực sạt lở, để đảm bảo tài sản và tính mạng của gia đình, anh sẵn sàng di dời đến nơi an toàn, khi có yêu cầu từ chính quyền địa phương…
Đây là những trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở xảy ra ngày 25, 26 và 28/5 tại ấp Quốc Khánh (xã Quốc Thái). Trong đó có 2 đoạn sạt lở đất bờ sông rất nghiêm trọng tại khu vực tổ 4 và tổ 17, có chiều dài khoảng 100m, ăn sâu vào đất liền từ 5 - 7m, ảnh hưởng trực tiếp đến 11 nhà dân, 9 bè cá…
Theo Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, đang mùa nước xuống thấp, biên độ triều cao cộng với mưa đầu mùa đã phá vỡ kết cấu đất, cộng với tác động của dòng chảy và các phương tiện giao thông (thủy, bộ) gây sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch…
Gần đây nhất, vào ngày 12/6, xảy ra sạt lở bờ kênh Rạch Giá - Long Xuyên (đoạn thuộc tổ 15, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên). Đoạn sạt lở ăn sâu vào mép đường Võ Văn Hoài, dài khoảng 45m, ảnh hưởng 8 hộ dân. Sạt lở còn ảnh hưởng đến giao thông huyết mạch của xã, ảnh hưởng lưu thông đi lại của người dân.
Chủ động ứng phó
Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có 56 đoạn sông cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài 181.450m. Trong đó, 5 đoạn sông được cảnh báo đặc biệt nguy hiểm, 37 đoạn nguy hiểm, 14 đoạn ở mức độ bình thường.
Nguyên nhân sạt lở được các cơ quan chức năng đánh giá, chủ yếu là do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mekong gây thiếu bùn cát bồi lắng, yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo và hoạt động kinh tế - xã hội (ghe tàu, khai thác cát, hoạt động xây dựng, vận tải 2 bên bờ sông...).
Theo Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang Lương Huy Khanh, hiện đang vào mùa mưa và diễn biến thời tiết, thủy văn phức tạp. Các ngành, địa phương tăng cường khuyến cáo người dân chằng chống nhà cửa, chủ động kiểm tra và chặt, tỉa cành cây to, cây cao có khả năng gãy, đỗ do giông lốc. Hạn chế thực hiện các hoạt động ngoài trời trước và trong thời gian xảy ra mưa, giông, sét. Kiểm tra, xử lý các biển hiệu, pa-nô, quảng cáo, các biển báo không đảm bảo an toàn theo quy định để tránh đỗ ngã gây mất an toàn.
“Thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực cảnh báo sạt lở của Sở Tài nguyên và Môi trường, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở và các tuyến kênh, rạch để kịp thời phát hiện, xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động di dời người dân, nhà ở, tài sản đến nơi an toàn khi có dấu hiệu răn nứt, nguy cơ sạt lở. Điều tiết, phân luồng giao thông thủy, bộ để giảm tải trọng lên đường/đê tại các khu vực sạt lở và nơi có nguy cơ sạt lở. Bố trí lực lượng, tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống công trình đê bao, cống bọng; kịp thời gia cố, khắc phục, đảm bảo an toàn công trình, sẵn sàng các phương án khi có tình huống xảy ra”- ông Lương Huy Khanh đề xuất.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 14 vụ mưa, giông lốc làm 1 người chết do bị sét đánh; 146 căn nhà bị sập và tốc mái; 54,32ha lúa, hoa màu bị đổ, ngã. Ngoài ra, còn làm tốc mái nhà kho, trại quán của người dân. Toàn tỉnh xảy ra 37 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài hơn 1.700m, ảnh hưởng đến 65 căn nhà. Ngoài ra, do sạt lở, làm ảnh hưởng đến 2 kho trấu, 2 lò sấy, 1 nhà máy của doanh nghiệp xay xát lúa gạo và xí nghiệp chế biến lương thực xuất khẩu… |
HỮU HUYNH