Tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp

22/06/2023 - 06:38

 - Đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động, tuân thủ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), chấp hành pháp luật về lao động, công đoàn… là những vấn đề tồn tại trong một số doanh nghiệp (DN) hiện nay. Bên cạnh công tác thanh, kiểm tra của ngành chức năng thì tuyên truyền để nâng cao ý thức, chuyển biến nhận thức, trách nhiệm cũng là việc quan trọng đang được đẩy mạnh cho cả người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ).

Chú trọng an toàn lao động

Huyện Thoại Sơn là địa phương làm tốt công tác phòng ngừa tai nạn lao động. Tuy nhiên, mỗi năm, trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra tai nạn lao động, gây thiệt hại về người và tài sản của tổ chức, cá nhân.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thoại Sơn cho biết, qua điều tra, nguyên nhân các vụ tai nạn lao động chủ yếu dẫn đến việc mất an toàn lao động do một số đơn vị sử dụng lao động chưa nêu cao trách nhiệm, vi phạm các quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Phần lớn NLĐ còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động. Ngành chức năng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, DN và tiếp tục nhắc nhở về việc trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho lao động, sử dụng an toàn điện, phòng, chống cháy nổ…

Khám sức khỏe, tuyên truyền về pháp luật an toàn vệ sinh lao động cho công nhân tại các công ty

Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, đoàn liên ngành huyện Phú Tân tập trung kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động, như: Thực hiện các chính sách về tiền lương, bảo hiểm; công tác an toàn - vệ sinh lao động, trang bị bảo hộ lao động; khám sức khỏe định kỳ; trang thiết bị, dụng cụ về công tác phòng, chống cháy nổ, phương án phòng cháy, chữa cháy, tiêu lệnh chữa cháy, hệ thống điện an toàn, hồ sơ lưu…

Qua kiểm tra, vẫn còn một số DN chưa đảm bảo một số nội dung, quy định về bảo hộ lao động, ánh sáng, tủ thuốc chưa đầy đủ… Tại TP. Long Xuyên, đoàn liên ngành tập trung kiểm tra các công trình xây dựng, với việc chấp hành quy định sử dụng lao động tại công trình, công tác quản lý và đảm bảo sức khỏe cho NLĐ; các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, công tác quản lý và sử dụng các loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Ở một số DN trên địa bàn tỉnh hiện nay, NLĐ chưa được tổ chức khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên. Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH  An Giang Phạm Sơn, từ phản ánh của NLĐ, ngành chức năng tăng cường giám sát, xử lý. Trung bình hàng năm, Sở LĐ-TB&XH tổ chức kiểm tra khoảng 30 DN về việc chấp hành các bộ luật, như: Lao động, an toàn vệ sinh lao động, BHXH nói chung và Luật Công đoàn. Năm 2022, đơn vị kiểm tra 42 DN, phát hiện một số sai sót, như: Không khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, nợ BHXH, không ký hợp đồng lao động, không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, không đóng phí công đoàn…

“Chúng tôi đã yêu cầu DN thực hiện 138 kiến nghị để khắc phục tồn tại và ban hành 8 quyết định xử phạt hành chính, tổng số tiền trên 286 triệu đồng. Ngoài các đợt thanh tra của sở, đơn vị còn tham gia các đoàn liên ngành tại 29 DN. Qua đó, cũng phát hiện nhiều sai phạm của DN. Năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đã và đang kiểm tra 34 DN, phát phiếu tự kiểm tra cho 100 DN để báo cáo về sở” - ông Phạm Sơn thông tin.

Gắn kết với công đoàn cơ sở

Các ngành chức năng cho rằng, vấn đề quan trọng là khi NLĐ phát hiện được công ty của mình vi phạm về pháp luật lao động, BHXH, an toàn vệ sinh lao động… cần kịp thời báo cáo với tổ chức công đoàn của DN. Nếu DN không thực hiện khắc phục thì tiếp tục báo cáo lên công đoàn cấp trên hoặc báo cáo trực tiếp về Sở LĐ-TB&XH. Tương tự, thời gian qua, nhiều NLĐ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm những DN không trích đóng BHXH cho công nhân lao động bằng nhiều hình thức.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang cho biết, qua tổng hợp từ các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, có tình trạng DN không trích đóng BHXH cho NLĐ. Một số DN áp dụng hình thức trốn đóng BHXH khi chuyển qua loại hình hợp đồng vụ việc, thuê khoán, khoán việc… Ngoài ra, tình trạng NLĐ làm việc tại các DN chưa được ký kết hợp đồng lao động còn xảy ra nhiều trong các DN, dẫn đến hệ lụy NLĐ mất nhiều quyền lợi như không được tham gia các loại bảo hiểm cũng như không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, từ tổ chức công đoàn.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Văng Anh Trung cho biết, tính đến tháng 5/2023, tổng số nợ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên 201 tỷ đồng. Theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ, ngành bảo hiểm ra quyết định xử phạt từ 8 - 20%/tổng số tiền nợ chậm đóng BHXH, tổng số tiền phạt tối đa 75 triệu đồng, so tổng số tiền nợ thì không đủ sức răn đe đối với công ty, DN. Giải pháp chủ yếu của ngành là tăng cường tuyên truyền, từ đơn vị BHXH đến phối hợp liên ngành. BHXH tỉnh ký kết với 12 đơn vị và thường xuyên đối thoại trực tiếp với DN, NLĐ tại đơn vị có số lượng NLĐ lớn. Ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra vừa trong ngành BHXH, vừa có phối hợp liên ngành.

Ông Văng Anh Trung đồng tình với quan điểm, trước hết, NLĐ phải trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình. Trong đó, có thể theo dõi quá trình DN đóng bảo hiểm cho lao động qua ứng dụng VssID. Khi phát hiện tình trạng DN trốn đóng, chậm đóng và cần thông tin thực hiện đúng pháp luật lao động, BHXH… NLĐ cần ý kiến ngay với công đoàn cơ sở, Sở LĐ-TB&XH hoặc cơ quan BHXH để phối hợp thanh, kiểm tra, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

HOÀI ANH