Tăng kết nối hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long

19/08/2023 - 07:51

Lưu lượng giao thông trên tuyến trục dọc và trục ngang trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long tăng rất cao, trong khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu thông thương hàng hóa.

Chính vì vậy mà Chính phủ cùng các địa phương trong vùng đang tập trung đầu tư nhiều dự án cao tốc, các tuyến đường liên vùng nhằm tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phương tiện lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn qua xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy. Ảnh minh họa: Minh Trí/TTXVN

Chưa đáp ứng giao thông

Đi vào hoạt động từ năm 2010 đến nay, tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã trở thành tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây của Tp. Hồ Chí Minh kết nối các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường dài khoảng 40 km, quy mô bốn làn xe, hai làn dừng khẩn cấp. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm khai thác, nhất là sau khi dừng thu phí năm 2019, tuyến cao tốc này có lưu lượng phương tiện lưu thông tăng cao (khoảng 52.000 lượt xe/ngày đêm), thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn. Do vậy, với quy mô hiện tại, tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương hiện không đáp ứng nhu cầu vận tải.  

Theo ông Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng Giao thông Đô thị và Nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), thời gian qua, Chính phủ đầu tư cải thiện mạng lưới đường bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với gần 187 km đường cao tốc, 2.669 km đường quốc lộ và 4.559 km đường tỉnh. Về cơ bản, tất cả các điểm chính trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có kết nối đường bộ. Tuy nhiên, đây chỉ là hệ thống kết nối cơ bản, tối thiểu, chưa mang vai trò chiến lược cho phát triển vùng.

Đồng thời, dù hệ thống kết nối nội vùng và liên vùng trên cơ sở các tuyến cao tốc, quốc lộ mới đang dần được hoàn chỉnh, tuy nhiên, về cấp kỹ thuật và chất lượng mặt đường hệ thống quốc lộ vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu.

Thực tế, hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển cũng chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù trục dọc trên tuyến Quốc lộ 1 tuyến huyết mạch đã được cải tạo nhưng tình hình ùn tắc vẫn diễn ra, đặc biệt là cầu vượt sông không đồng bộ với toàn tuyến. Ngoài ra, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng về phát triển đường thủy nội địa nhưng tận dụng, khai thác tuyến đường này vẫn còn hạn chế.

Các chuyên gia cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế phía Nam của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, kết nối với khu vực Đông Nam Á và thế giới, tuy nhiên hiện khoảng 70% hàng hóa xuất, nhập khẩu của vùng vẫn phải đi qua cảng biển Tp. Hồ Chí Minh. Điều bất cập thấy rõ nhất chính là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của vùng vẫn phải vận chuyển chính từ các cảng biển của Tp. Hồ Chí Minh. Và khi hàng hóa của vùng muốn xuất khẩu đi các nước lại tiếp tục phụ thuộc vào cảng biển ở Tp. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) Ngô Hoàng Nguyên cho biết, hiện hạ tầng giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa kết nối đồng bộ, nhiều đoạn tuyến bị trì hoãn, nhiều tuyến đường bộ còn nhỏ hẹp, chất lượng thấp, đường bộ cao tốc còn rất hạn chế. Vì vậy, khiến cho chi phí logistics tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, do xuất phát điểm thấp, với nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa phát triển trên nền tảng tự nhiên, nhỏ lẻ, ít cạnh tranh; hạ tầng giao thông chưa phát triển, khó liên kết vùng nên quy mô kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, tốc độ tăng GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) chậm dần và thấp hơn trung bình cả nước.

Tăng kết nối

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn qua tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Chính phủ vừa có chủ trương mở rộng tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương là nền tảng, bước khởi đầu trong đầu tư đường cao tốc cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do nằm trong khuôn khổ, với nguồn lực giới hạn, hiện mật độ giao thông đang quá tải, tỉnh kiến nghị phối hợp cùng Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An nghiên cứu mở rộng đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại Quyết định 1454/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, đặc biệt là các trục có nhu cầu vận tải cao như: Trục Tp. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, trục N2 đoạn từ Cao Lãnh về Tp. Hồ Chí Minh tạo kết nối thuận lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và Tp. Hồ Chí Minh.

Theo đó, giao thông đường bộ kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Tp. Hồ Chí Minh qua 5 trục chính: Tuyến N1 (dài 235 km) chạy dọc biên giới Campuchia từ Đức Huệ (Long An) đến Hà Tiên (Kiên Giang), tuyến N2 (dài 440 km) từ Chơn Thành (Bình Dương) đến Vàm Rầy (Kiên Giang), cao tốc đoạn Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau, Quốc lộ 1 (dài 334 km) từ Tp. Hồ Chí Minh tới Cà Mau, tuyến duyên hải ven biển phía Đông gồm Quốc lộ 50 và Quốc lộ 60.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Cần Thơ tập trung đầu tư các dự án kết hạ tầng, đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông vận tải. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn này đã bố trí cho các dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải trên 11.000 tỷ đồng. Mục tiêu là khắc phục hạn chế về hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối với các dự án được Trung ương đầu tư trên địa bàn thành phố nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nội ô thành phố.

Theo chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ đã đàm phán với các đối tác, ưu tiên triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên. Các cơ quan đã báo cáo cấp có thẩm quyền đồng thời đang triển khai công tác chuẩn bị xây dựng đường sắt tốc độ cao; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ được ưu tiên.

Bên cạnh đó, tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có tổng mức đầu tư khoảng 38.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí của các cầu lớn trên tuyến) hiện Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến các địa phương liên quan dự án để tổng hợp vào báo cáo chung, trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét đầu tư trong thời gian tới. Toàn tuyến dài 428 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80 km/h, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vùng công nghiệp phía Đông và các khu du lịch ven biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo TTXVN