Tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương có đi đúng hướng?

25/01/2024 - 09:35

Một số nhà kinh tế cho rằng mức tăng đột biến về giá chỉ là tạm thời, lạm phát dù sao cũng sẽ giảm bớt, cho dù các ngân hàng có cố gắng kiềm chế bằng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn hay không.


Các cuộc tranh luận đang nóng lên khi các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhóm họp trong tuần này. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những ngân hàng trung ương đã tạo ra làn sóng tăng lãi suất trong hai năm qua, nhằm ứng phó với lạm phát đang phải đối mặt với câu hỏi: động thái của họ có hữu ích không?

Các cuộc tranh luận đang nóng lên khi các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhóm họp trong tuần này, với nhiều nhà quan sát đang kỳ vọng lãi suất cho vay của ECB sẽ bắt đầu giảm vào mùa Hè này.

Các thống đốc tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang cân nhắc việc cắt giảm vào cuối năm nay và làm dấy lên hy vọng giá cả tăng vọt.

Một số nhà kinh tế lập luận rằng mức tăng đột biến về giá chỉ là tạm thời và lạm phát dù sao cũng sẽ giảm bớt, cho dù các ngân hàng trung ương có cố gắng kiềm chế bằng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn hay không.

Nhà kinh tế Joseph Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel, cho rằng không phải do hành động của Fed mà giá ôtô, dầu, thực phẩm hoặc một loạt hàng hóa khác giảm xuống, thay vào đó là nhờ tình trạng thiếu hụt cơ bản đã được giải quyết một phần.

Tuy nhiên, lãi suất cao hơn thường là công cụ được các ngân hàng trung ương lựa chọn để tăng chi phí vay cho doanh nghiệp, điều này thường có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Trong khi đó, các hộ gia đình đột nhiên phải đối mặt với chi phí thế chấp và nhà ở cao hơn, khiến họ phải hạn chế chi tiêu và giảm lạm phát do nhu cầu giảm.

Đối với chuyên gia Stiglitz và các nhà phê bình khác, lạm phát xảy ra không phải do nhu cầu gia tăng mà là do hạn chế về nguồn cung do dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine.

Alan Blinder, nhà kinh tế học tại Princeton và cựu Phó Chủ tịch Fed, nhất trí rằng những cú sốc kinh tế toàn cầu - về bản chất là tạm thời - đã gây ra lạm phát, song hiện nay tình trạng này đã giảm bớt ngay cả khi tăng trưởng kinh tế ở cả hai bờ Đại Tây Dương vẫn tương đối mạnh mẽ.

Ông Blinder đánh giá hành động của các ngân hàng trung ương đã đi đúng hướng, nhưng chỉ có tầm quan trọng thứ yếu.

Trong khi đó, các nhà kinh tế khác cho rằng chính các khoản kích thích chi tiêu khổng lồ trong giai đoạn đại dịch đã khiến tiền tràn ngập các nền kinh tế và đẩy giá lên cao hơn.

Quan điểm trên đã chịu sự chỉ trích của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào tháng 6/2022, người đã đánh giá thấp tác động của chính sách kích thích trong đại dịch của chính phủ nhưng vẫn khẳng định rằng lãi suất cao hơn là cần thiết ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với suy thoái kinh tế./.

Theo TTXVN/Vietnam+