Cải tạo, nâng cấp Đường 112, đoạn Làng Chếu-Xím Vàng, huyện Bắc Yên, Sơn La.
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm, nhưng tại ba tỉnh này, việc giải ngân theo kế hoạch vốn giao đạt rất thấp, các tỉnh đang triển khai quyết liệt giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tăng tốc giải ngân.
Ủy ban nhân dân ba tỉnh nêu trên đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại cấp tỉnh, cấp ngành nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành nhiều văn bản yêu cầu sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư các dự án đầu tư công nghiêm túc thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch và Ủy ban nhân dân tỉnh trong triển khai các giải pháp đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Ngay từ đầu năm 2023, Ủy ban nhân dân 3 tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngành, huyện, thành phố tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường, cho nên tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đầu năm 2023 của ba tỉnh còn rất thấp.
Hiện nay, cả ba tỉnh đều gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nhiều địa bàn còn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường. Đơn cử, tại thành phố Sơn La, dự án kè suối Nặm La giai đoạn 2, đoạn hồ Tuổi Trẻ-cầu Tông Panh thuộc kế hoạch vốn năm 2022 đã phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023. Tiến độ thi công dự án bị gián đoạn do vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng đối với hai tập thể, sáu tổ chức, doanh nghiệp, hai hộ gia đình.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La cho biết: Năm 2023, Sơn La được giao 6.171 tỷ đồng vốn đầu tư công; trong đó, kế hoạch vốn kéo dài từ năm trước sang hơn 713 tỷ đồng. Đến đầu tháng 9, đã phân bổ, giao chi tiết 5.487 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án. Tuy nhiên, thực tế mới giải ngân được gần 37% kế hoạch vốn được giao.
Cùng với khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tình trạng khan hiếm cát, đá xây dựng trên địa bàn các huyện đã ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án. Một số chủ đầu tư chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu, doanh nghiệp triển khai thi công, một số dự án khởi công mới đang trong giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, chưa có khối lượng để nghiệm thu, thanh toán,…
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Văn Phúc, tổng vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua đạt 10.220 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 20% theo kế hoạch. Các dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc do liên quan giải phóng mặt bằng, một số nơi chưa nhận được sự đồng thuận của người dân; chậm hoàn thiện đầu tư xây dựng các khu tái định cư.
Các nhà thầu tập trung máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên.
Ngoài ra, các dự án đầu tư công còn gặp khó khăn từ việc khai thác đất, nhất là nguồn cung cấp đất đắp cho các công trình giao thông. Việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa đối với các dự án có diện tích hơn 50 ha trở lên mất nhiều thời gian, do phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trình tự, thủ tục phức tạp, nhiều bộ, ngành thẩm định, cho ý kiến.
Chia sẻ thêm về những khó khăn ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương, ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên cho biết: Tỉnh được giao hơn 4.600 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023, nhưng đến giữa tháng 8 mới giải ngân được gần 40% kế hoạch.
Ngoài nguyên nhân khách quan do một số dự án được Trung ương giao vốn chậm, thì việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của một số dự án chưa được chủ đầu tư, đơn vị thi công quan tâm; sự phối hợp giữa các đơn vị được giao chủ đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương chưa nhịp nhàng, hiệu quả, nhất là trong việc giải phóng mặt bằng và đôn đốc nhà thầu thi công.
Chỉ đạo quyết liệt
Tại các cuộc họp giải quyết khó khăn, đốc thúc tiến độ giải ngân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên đều nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương.
Các tỉnh có văn bản yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề này; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công,…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Lê Thành Đô cho biết: Tỉnh đang tập trung thực hiện một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, chỉ đạo thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát, đề xuất điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện theo quy định,…
Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã giao các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập kế hoạch, tiến độ giải ngân chi tiết của từng dự án; phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách trực tiếp, thường xuyên giám sát, kiểm tra hiện trường, kịp thời chấn chỉnh tồn tại, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án. Tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và thương mại Thanh Thi, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cho biết: Địa bàn huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ và nhiều huyện khác của tỉnh đang trong tình trạng thiếu đá phục vụ cho công trình xây dựng.
Giá vật liệu xây dựng thông thường ở nhiều công trình đã tăng rất cao so với dự toán do cung đường vận chuyển xa, từ các nơi khác về. Tuy nhiên, với trách nhiệm của đơn vị thi công, công ty cố gắng hoàn thành theo đúng kế hoạch, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phùng Kim Sơn cho hay: Để khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng trên địa bàn các huyện, trước mắt Sở sẽ rà soát, xem xét phương án cấp phép khai thác trong phạm vi khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình (đối với các công trình có khối lượng đào đất đá lớn) để cấp phép khai thác theo quy định của pháp luật.
Về lâu dài, tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đơn vị chức năng tổng rà soát 106 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhưng chưa cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; tháo gỡ 38/68 mỏ khoáng sản được quy hoạch còn lại, dự kiến tiếp tục đưa ra đấu giá các mỏ đủ điều kiện trong năm 2024.
Ngoài việc tiếp tục duy trì Tổ công tác thúc đẩy giải ngân, định kỳ hằng tháng, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên tổ chức họp với các chủ đầu tư để rà soát, nắm bắt và tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cho biết, tỉnh đang tập trung chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh sẽ chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Nâng cao chất lượng công vụ, xử lý nghiêm các cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn, thanh toán vốn.
Theo Nhân Dân