Nhiều nỗ lực
Thông tin về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Minh Tâm cho biết, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đến hết tháng 9/2024 của tỉnh là trên 5.370 tỷ đồng, đạt 54,45% tổng kế hoạch đầu tư công (đạt 61,93% vốn giao đầu năm 2024); cao hơn bình quân cả nước (tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 9/2024 cả nước đạt 47,29%). Kết quả giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng ngân sách Trung ương đạt 62,63%. Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 61,68%; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 79,41% và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 35,42%.
Năm 2024, có 32 chủ đầu tư có sử dụng kế hoạch đầu tư công, trong đó có 8 chủ đầu tư có tỷ lệ cao hơn bình quân chung của tỉnh, gồm: Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú tỉnh (80,03%); Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp (74,53%); Tòa án nhân dân tỉnh (66,49%); Trường Cao đẳng Y tế An Giang (62,85%); Sở Tư pháp (58,86%); Công an tỉnh (57,18%); UBND huyện Châu Phú (61,75%) và UBND huyện Phú Tân (60,82%). Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị có kết quả giải ngân khả quan, vẫn còn 24 chủ đầu tư có tỷ lệ thấp hơn bình quân chung của tỉnh (54,45%) và 5 chủ đầu tư đến nay chưa có số liệu giải ngân.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua làm việc và kiểm tra của các đoàn kiểm công trình trọng điểm với các chủ đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện và giải ngân vốn còn gặp một số khó khăn: Nguồn cát cung cấp cho các công trình còn thiếu, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án; một số dự án còn đang vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó có các dự án trọng điểm về giao thông, nông nghiệp…
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Tại hội nghị đánh giá tình hình giải ngân vốn dầu tư công 9 tháng và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng cuối năm 2024, các chủ đầu tư nêu những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương.
Theo các chủ đầu tư, các dự án không đạt tiến độ giải ngân do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án; các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được điều chỉnh, nên chưa thể điều chỉnh kế hoạch trung hạn giữa các dự án thành phần của từng chương trình, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh chưa đạt kế hoạch đề ra.
Hành động quyết liệt hơn
Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng yêu cầu các sở, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn yếu kém năng lực. Yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư thực hiện đầy đủ, đảm bảo thời gian các chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhằm phục vụ công tác tham mưu điều hành kế hoạch đầu tư công. Đặc biệt, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng…
“Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư quyết tâm giải ngân tối đa kế hoạch vốn được giao theo chỉ thị và công điện của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư... đảm bảo đúng quy định, chính sách của Nhà nước. Đối với các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án; chủ động phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc. Các nhà thầu rà soát tiến độ thi công của từng dự án, lập kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh.
Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các mỏ cát trên địa bàn tỉnh; các nhà thầu cần chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu cát để phục vụ các công trình đầu tư công. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi tiến độ giải ngân của các chủ đầu tư kịp thời báo cáo UBND tỉnh, tham mưu các giải pháp linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh; rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh điều chuyển vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, kiểm soát khối lượng, tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư trên địa bàn, xác định nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, vướng mắc, đề ra giải pháp khắc phục cụ thể.
“3 tháng cuối năm 2024, các chủ đầu tư phải quyết tâm, quyết liệt thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất, đặc biệt là phát huy trách nhiệm người đứng đầu. Tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Các chủ đầu tư tập trung rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án đang vướng mắc; thường xuyên đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đảm bảo tiến độ và chất lượng” - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng yêu cầu
|
THU THẢO