Tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp có việc làm ổn định

02/11/2018 - 03:16

 - Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang đang tập trung thực hiện. Để hiểu rõ hơn kết quả tạo việc làm cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đầu năm 2018 đến nay, phóng viên Báo An Giang đã trao đổi với Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Văn Phước.

Phóng viên (PV): tình hình tư vấn, giới thiệu việc làm cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2018 đến nay như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Phước (P.V.P): Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm. Thời gian qua, trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng mà trung tâm chú trọng đó là công tác tư vấn, giới thiệu việc làm (miễn phí) cho đối tượng thất nghiệp. Việc này nhằm giúp cho họ có điều kiện học nghề, sớm có việc làm để trở lại với thị trường lao động.

Tư vấn tìm việc làm cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm

Từ đầu năm 2018 đến nay, trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp với nhiều hình thức, như tổ chức thành lập Phòng Tư vấn - Hướng dẫn người lao động. Tại đây, người lao động được tư vấn các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời giới thiệu những việc làm trống tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các phiên giao dịch việc làm, được tổ chức tại trung tâm theo định kỳ vào ngày 10 hàng tháng cũng như tại các phiên giao dịch tổ chức ở huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Thời gian qua, để thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, trung tâm đã thu thập thông tin, phân tích, đánh giá tình hình rồi cung cấp những việc làm còn trống cho người lao động; qua đó tạo điều kiện cho người lao động có nhiều lựa chọn. Hình thức tư vấn bao gồm: tư vấn trực tiếp hoặc tư vấn qua mạng Internet... Các việc làm mà trung tâm tư vấn, giới thiệu cho người thất nghiệp là việc làm còn trống, gồm việc làm trong tỉnh và ngoài tỉnh. Trung tâm đã tích cực tư vấn cho người thất nghiệp có đủ điều kiện về sức khỏe, học vấn, chuyên môn… tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đây là kênh tư vấn khá thiết thực cho người thất nghiệp nhằm tăng thu nhập cho bản thân và gia đình họ.

P.V: kết quả của công tác này đến thời điểm hiện tại?

Ông P.V.P: từ đầu năm đến nay, trung tâm đã thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho 44.996 lượt người (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó số người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là 10.643. Số người này hiện nay đã có việc làm khá cao, nhưng do quy định về công tác quản lý lao động tại địa phương chưa chặt chẽ, số lao động trên không khai báo (khi có được việc làm) từ đó làm cho công tác thống kê gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh những lao động đã có việc làm thường xuyên, ổn định thì số lao động chưa có việc làm còn nhiều, vì đa số lao động bị thất nghiệp đều có trình độ chuyên môn thấp, không có tay nghề nên khó giới thiệu được việc làm mới, phù hợp với việc làm còn trống mà trung tâm đang theo dõi. Một số lao động không muốn làm việc xa nhà, trong khi các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh tại địa phương lại không nhiều, vì vậy rất khó tìm được việc làm mới ở gần nhà... Một số lao động, nhất là lao động ở huyện có tư tưởng đi làm việc theo sự giới thiệu của người thân, người quen, việc tư vấn chọn lựa công ty rất khó. Số lao động muốn tham gia xuất khẩu lao động thì do điều kiện kinh tế khó khăn, thường là những lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo không đủ chi phí tham gia mặt dù được chính sách hỗ trợ của tỉnh.

P.V: trước những khó khăn của công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, trung tâm sẽ đưa ra hướng khắc phục ra sao trong thời gian tới?

Ông P.V.P: để công tác tư vấn, giới thiệu việc làm đạt hiệu quả cao, sớm đưa lao động thất nghiệp trở lại với thị trường lao động, theo chúng tôi cần phải có giải pháp sau: đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, trong đó chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn. Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm. Đẩy mạnh công tác thu thập, cập nhật thông tin thị trường, nhu cầu tuyển dụng, việc làm trống trong và ngoài tỉnh cũng như thị trường xuất khẩu lao động để cung cấp cho người lao động. Nâng cao hiệu quả kết nối việc làm giữa doanh nghiệp với người lao động thông qua các hình thức trực tiếp, mạng Internet, phiên giao dịch việc làm… Với những giải pháp nêu trên, chúng tôi hy vọng ngày càng có nhiều người lao động sau khi hưởng được trợ cấp thất nghiệp thì sẽ sớm có việc làm ổn định.

P.V: xin cám ơn ông!

Thực hiện: MINH HIỂN