Tạo không gian phát triển mới từ cao tốc

23/08/2023 - 07:02

 - Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, xây dựng hệ thống cao tốc đồng bộ không chỉ tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, mà đi kèm với đó là hình thành khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại, logistics, tạo thêm công ăn việc làm; cơ hội tái cấu trúc, bố trí lại dân cư hài hòa, hợp lý. Do vậy, phải khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cao tốc, đảm bảo thời gian và chất lượng công trình.

Nỗ lực của An Giang

Điểm đầu TP. Châu Đốc vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến phát lệnh khởi công Dự án thành phần 1 của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Đây là công trình giao thông thuộc nhóm A, tổng chiều dài hơn 57km (qua địa phận An Giang hơn 56km, qua địa phận TP. Cần Thơ gần 0,6km), tổng vốn đầu tư khoảng 13.526 tỷ đồng.

Công trình có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh An Giang cũng như các địa phương có cao tốc đi qua (TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng). “Mấu chốt quan trọng nhất là kết nối hàng hóa An Giang xuống cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), cảng biển quan trọng được quy hoạch thành cảng quốc tế, khả năng tiếp nhận tàu hàng quy mô lớn, giúp rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Dọc theo cao tốc, An Giang sẽ quy hoạch, kêu gọi đầu tư để hình thành khu công nghiệp mới, trung tâm logistics, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch… tạo không gian phát triển mới” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang phát biểu tại phiên họp thứ 7

Tận dụng thời cơ được đầu tư cao tốc, An Giang khẩn trương triển khai các phần việc theo nhiệm vụ được giao. Thực hiện Nghị quyết 91/NQ-CP, ngày 25/7/2022 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 60/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), cuối năm 2022, tỉnh đã hoàn thành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo; lập khung và thẩm tra khung chính sách, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án… để khởi công cao tốc vào ngày 17/6/2023.

“An Giang phấn đấu hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026; hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thông tin.

Tạo không gian mới

Chủ trì phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Trưởng ban Chỉ đạo) cho rằng, các dự án cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ quyết tâm triển khai hệ thống đường cao tốc đồng bộ từ Bắc chí Nam, kết nối các vùng động lực kinh tế với vùng còn khó khăn, thiệt thòi ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Do vậy, cần tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan quản lý; tập trung khắc phục khó khăn, vướng mắc đến đâu tháo gỡ đến đó, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, tạo không gian phát triển mới, tạo thêm việc làm, nơi định cư lâu dài cho người dân từ các công trình, dự án “ăn theo” cao tốc.

Theo Bộ Giao thông vận tải, cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021 - 2025), đã bàn giao được 89% mặt bằng; 5 dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây và đường vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đạt từ 87 - 97%... Về vật liệu xây dựng thông thường, các địa phương xác nhận bản đăng ký của 42/69 mỏ để cung cấp vật liệu cho dự án. Chủ đầu tư, nhà thầu đang nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Riêng các tuyến đường sắt đô thị, phấn đấu đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2023, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) vào đầu năm 2024.

Phát huy kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương thành lập tổ công tác để đôn đốc, thúc đẩy, kiểm tra, giám sát dự án. Đồng thời, xây dựng quy hoạch, chuẩn bị khai thác không gian phát triển mới được tạo ra từ cao tốc.

Đảm bảo nguồn cát

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc thực hiện thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2021 - 2025) và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tỉnh, thành phố. Đối với Bộ Giao thông vận tải, phải chỉ đạo nhà thầu phối hợp địa phương sớm hoàn thiện thủ tục để có thể khai thác 27 mỏ đã xác nhận bản đăng ký trong tháng 8/2023 và 27 mỏ đã trình để khai thác trong tháng 9/2023.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, hoàn thành 4 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2023; 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trong năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, đối với Dự án thành phần 1 Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), tỉnh đã giải phóng mặt bằng đạt 92%, phấn đấu đạt 100% vào cuối 2023 để giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu; tiến độ thi công đạt kế hoạch. An Giang đảm bảo cung ứng đủ nguồn cát cho dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh; bố trí 2 khu vực khai thác cát sông để bàn giao cho TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang khai thác, phục vụ tuyến cao tốc đi qua 2 địa phương này.

Đối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tỉnh đang nghiên cứu lại mỏ cát đã có quyết định thu hồi giấy phép; đánh giá, bố trí lại nguồn cát cho tuyến cao tốc này, trước mắt là 1,1 triệu m3 theo cam kết, sau đó bố trí 2,2 triệu m3 còn lại, để đủ 3,3 triệu m3 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh các dự án cao tốc đang triển khai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thống nhất bổ sung các dự án đường bộ cao tốc: TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Hòa Liên - Túy Loan, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Tuyên Quang - Hà Giang, Mỹ An - Cao Lãnh và Cao Lãnh - An Hữu.

NGÔ CHUẨN