Tạo mô hình bản đồ ẩm thực Việt Nam từ món ăn, đặc sản của 63 tỉnh, thành

28/04/2022 - 07:42

Tối 27/4, Trường Đại học Hoa Sen (HSU) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam cùng Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn tổ chức Lễ xác lập kỷ lục Việt Nam về "Sự kiện chế biến và công diễn 63 món ăn - đặc sản tiêu biểu của 63 tỉnh, thành và tạo mô hình bản đồ ẩm thực Việt Nam đầu tiên", đồng thời trao giải cuộc thi The Future Chef 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Mô hình bản đồ ẩm thực được xác lập kỷ lục Việt Nam. 

Theo đó, Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam đã công bố quyết định chính thức xác lập kỷ lục với nội dung "Sự kiện chế biến và công diễn 63 món ăn - đặc sản tiêu biểu của 63 tỉnh, thành và tạo mô hình bản đồ ẩm thực Việt Nam đầu tiên", đồng sở hữu đến các đơn vị Trường Đại học Hoa Sen (HSU), Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn kể từ ngày 27/4/2022.

Cụ thể, 63 món ăn - đặc sản tiên biểu được thực hiện bởi hơn 50 đầu bếp là thí sinh, cựu thí sinh của cuộc thi The Future Chef Contest các mùa, cùng đội ngũ đầu bếp đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam và đầu bếp thuộc hệ thống nhà hàng trong khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tham gia chế biến, tạo dựng thành mô hình bản đồ dài hơn 20m.

Mô hình bản đồ này giới thiệu các món ăn - đặc sản tiêu biểu của 63 tỉnh, thành trên cả nước, quảng bá những giá trị ẩm thực nước nhà đến bạn bè quốc tế như: cá kho trái giác Cà Mau, gỏi cá trích Kiên Giang, lẩu thả Bình Thuận, giò lợn hầm Atiso Đà Lạt, chả tôm Thanh Hóa, dê núi Ninh Thuận, bánh cuốn Hà Nam, phở bò Nam Định...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (HSU) cho biết, với mong muốn tạo một sân chơi chuyên nghiệp cho sinh viên nói riêng và các bạn trẻ “mê làm bếp” nói chung, Trường Đại học Hoa Sen (HSU) và The Future Chef Contest không ngừng nỗ lực tạo ra những trải nghiệm sống động cho thí sinh qua các vòng thi. Đây cũng là cơ hội để tìm kiếm và đào tạo đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp, tiếp tục nối bước tinh thần bảo tồn, tôn vinh và phát triển nền ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt, vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19, nhà trường với sự đồng hành của các chuyên gia, doanh nghiệp, kỳ vọng sẽ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo bệ phóng cho sinh viên chinh phục những ngành nghề, lĩnh vực được đào tạo khi ra trường.

Trao quyết định chính thức xác lập kỷ lục với nội dung "Sự kiện chế biến và công diễn 63 món ăn - đặc sản tiêu biểu của 63 tỉnh, thành và tạo mô hình bản đồ ẩm thực Việt Nam đầu tiên". 

Nghệ nhân Bùi Thị Sương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam cho rằng, hành trình cuộc thi The Future Chef được tổ chức thường niên qua 10 năm, cùng với việc Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam công bố quyết định chính thức xác lập kỷ lục với nội dung "Sự kiện chế biến và công diễn 63 món ăn - đặc sản tiêu biểu của 63 tỉnh, thành và tạo mô hình bản đồ ẩm thực Việt Nam đầu tiên" là một kết quả đáng khích lệ Ban tổ chức và sinh viên. Đối với ẩm thực Việt Nam còn nhiều việc cần làm để “cất cánh” trên bản đồ ẩm thực thế giới và khẳng định vị thế Việt Nam; những món ăn được đầu tư quảng bá sẽ góp phần giới thiệu nền ẩm thực giàu bản sắc văn hoá, vùng miền bản địa... của đất nước ra quốc tế.

Cuộc thi The Future Chef 2022 có chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Việt", trải qua nhiều vòng thi có 21 đội và thí sinh bước vào vòng chung kết. Trong đó, đội thi xuất sắc giành giải Nhất là đội Tây Nam bộ; giải Nhì là đội Tây Nguyên; giải ba là đội Duyên hải Đông Bắc. Ban tổ chức còn trao hai giải Khuyến khích cho đội Trung du miền núi Bắc bộ và đội Nam Trung bộ; hai giải Triển vọng cho đội Đông Nam bộ và Bắc Trung bộ; một giải cá nhân “Câu chuyện ẩm thực được yêu thích nhất” cho thí sinh Trịnh Tuấn Dũng.

Theo MỸ PHƯƠNG (TTXVN)