Tập trung bảo vệ vụ hè thu 2021

21/05/2021 - 05:25

 - Hè thu được xem là vụ sản xuất bất lợi nhất trong năm, bởi điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, sâu bệnh, dịch hại dễ tấn công. Khi giá lúa vẫn đang duy trì ở mức khá cao thì bảo vệ sản xuất ăn chắc vụ hè thu 2021 là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thắng lợi của ngành nông nghiệp.

Cán bộ nông nghiệp được yêu cầu thăm đồng thường xuyên

Cẩn trọng với dịch hại

Xuống giống lúa vụ hè thu được gần 1 tháng, hầu như ngày nào nông dân Lê Tấn Vĩnh (ấp Cà Na, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cũng ra thăm đồng. “Thời điểm xuống giống, tôi đã diệt ốc bươu vàng. Tuy nhiên, do điều kiện thường xảy ra mưa vào chiều tối, đọng ở những nơi mặt ruộng trũng, tạo điều kiện cho ốc bươu vàng sinh sôi, cắn phá lúa non. Sáng sớm, tôi tranh thủ vào ruộng, đánh rãnh thoát nước nhỏ từ lung dẫn ra đường nước chính, giúp mặt ruộng khô để tiêu diệt ốc bươu vàng. Nếu không chú ý bảo vệ lúa giai đoạn này, khi bị cắn phá nhiều, phải cấy giặm lại rất tốn kém” - ông Vĩnh thông tin.

Xuống giống lúa OM18, loại lúa thường được thu mua giá cao các vụ qua, nông dân Trần Văn Minh (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) đang tập trung bảo vệ lúa quyết liệt nhằm có thêm 1 vụ mùa “được mùa, được giá”. “Tôi lo nhất là muỗi hành và rầy nâu gây hại, ảnh hưởng đến năng suất. Tôi thường xuyên theo dõi rầy nâu vào đèn, đếm mật số rầy trên 1m2 lúa để có biện pháp xử lý phù hợp. Ngoài ra, tôi duy trì trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, tiêu diệt tự nhiên các sinh vật gây hại nhằm hạn chế phun thuốc” - ông Minh chia sẻ.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, tính đến ngày 13-5, toàn tỉnh đã xuống giống được 212.193ha lúa hè thu 2021, đạt 92,26% diện tích kế hoạch (230.000ha). Hiện nay, các trà lúa chủ yếu ở giai đoạn mạ 126.951ha, đẻ nhánh 66.161ha, đòng 9.349ha, trổ 6.733ha, chín 3.000ha. Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, trên các trà lúa vụ hè thu 2021 đang xuất hiện một số dịch hại với mức độ từ nhẹ đến trung bình, cụ thể, như: chuột, ốc bươu vàng, bù lạch, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, vàng lá, lem lép hạt…

Mặt khác, tình hình thời tiết ban ngày nắng nóng, chiều và tối có mưa rào là điều kiện thuận lợi cho một số dịch hại có khả năng phát sinh và gây hại mạnh trong vụ hè thu, như: muỗi hành, rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh vàng lá, lem lép hạt… trên các giống lúa nhiễm sâu bệnh nhiều, như: nếp, OM18, OM5451, Đài thơm 8… Đặc biệt lưu ý ở những ruộng còn tập quán gieo sạ dày, bón thừa phân đạm. “Nếu không theo dõi, phát hiện và phòng trừ kịp thời thì có khả năng ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch” - ông Hiền lưu ý.

Quan tâm thăm đồng

Để chủ động phòng, chống các đối tượng gây hại trên cây trồng vụ hè thu 2021, Chi cục TT&BVTV An Giang yêu cầu lãnh đạo các phòng chuyên môn, các trạm TT&BVTV tổ chức triển khai công tác phòng, chống các đối tượng gây hại trong cả hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ năng suất, sản lượng. Các cán bộ chuyên môn được yêu cầu theo dõi chặt chẽ các đối tượng gây hại, như: rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn, muỗi hành và các dịch hại khác, không để dịch bệnh bùng phát gây hại, làm ảnh hưởng đến năng suất, đồng thời hướng dẫn nông dân khắc phục kịp thời diện tích bị thiệt hại (nếu có).

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục TT&BVTV An Giang đã thành lập 5 đoàn công tác, phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 4 đợt kiểm tra, thăm đồng để phát hiện sớm dịch hại, giúp nông dân chủ động phòng trừ kịp thời. Trong đó, đoàn 1 do Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền làm trưởng đoàn, thăm đồng trên địa bàn huyện An Phú, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc. Đoàn 2 do ông Trần Ngọc Chủng (Trưởng phòng Trồng trọt và Kiểm dịch thực vật, Chi cục TT&BVTV An Giang) làm trưởng đoàn, thăm đồng trên địa bàn huyện Phú Tân, Chợ Mới.

Đoàn 3 do bà Nguyễn Thị Lê (Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang) làm trưởng đoàn, thăm đồng trên địa bàn huyện Châu Phú, Châu Thành. Đoàn 4 do ông Cao Vĩnh Thông (Trưởng phòng BVTV, Chi cục TT&BVTV An Giang) làm trưởng đoàn, thăm đồng trên địa bàn huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Đoàn 5 do ông Nguyễn Thành Lập (Trưởng phòng Thanh tra, Pháp chế (Chi cục TT&BVTV An Giang) làm trưởng đoàn, thăm đồng trên địa bàn TP. Long Xuyên, huyện Thoại Sơn. Các đợt kiểm tra, thăm đồng dự kiến diễn ra từ ngày 25 đến 28-5 (đợt 1); ngày 8 đến 11-6 (đợt 2); ngày 22 đến 25-6 (đợt 3); ngày 13 đến 16-7 (đợt 4).

Đối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố, thực hiện phối hợp với UBND các phường, xã, thị trấn thăm đồng thường xuyên, cảnh báo, nhắc nhở nông dân thăm đồng để phát hiện dịch hại và tổ chức phòng trừ. Khi có tình huống xảy ra dịch hại nặng thì tổ chức dập dịch ngay và báo cáo cho ban chỉ đạo cấp tỉnh để có chỉ đạo kịp thời trong công tác hỗ trợ phòng chống, dập dịch.

Nông dân được khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái, chương trình IPM, SRP… để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

NGÔ CHUẨN