Tập trung ứng phó mùa khô khắc nghiệt

12/04/2024 - 08:27

 - Theo dự báo, còn hơn 1 tháng nữa mới chính thức bắt đầu mùa mưa, trong khi nắng nóng, hạn, kiệt mùa khô đang trong thời kỳ cao điểm. Công tác ứng phó giai đoạn này là rất quan trọng, nhằm bảo vệ sản xuất, bảo vệ rừng, đáp ứng nhu cầu nguồn nước bơm tưới, chăn nuôi, sinh hoạt của
người dân.

Nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất tăng cao

Ghi nhận của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang cho thấy, mùa khô năm nay kéo dài hơn, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng với nền nhiệt cao hơn mức trung bình nhiều năm, ít xuất hiện mưa trái mùa và mùa mưa sẽ đến muộn hơn hàng năm. Dự kiến khoảng nửa cuối tháng 4, xuất hiện mưa trái mùa, nhưng từ ngày 20/5, mùa mưa mới chính thức bắt đầu.

Huyện Tri Tôn là một trong 2 địa phương thuộc vùng Bảy Núi (cùng với TX. Tịnh Biên), bên cạnh chịu tác động của nền nhiệt cao, thiếu nước, khô hạn miền núi, khu vực đồng bằng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang của huyện còn đối mặt nguy cơ bị nước mặn xâm nhập. Trong khi đó, diện tích lớn rừng đồi núi và rừng tràm đồng bằng bị “giặc lửa” đe dọa từng ngày.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống hạn, mặn năm 2024, Phòng NN&PTNT đã tham mưu Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự huyện ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tri Tôn, đồng thời triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên.

Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn chủ động phối hợp Trạm Thủy lợi liên huyện Tịnh Biên - Tri Tôn theo dõi bản tin dự báo mực nước, tình trạng hạn, mặn, kịp thời cảnh báo đến nông dân sản xuất nông nghiệp ở các vùng tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang, khuyến cáo lấy nước tưới vào thời điểm triều cao, nước chảy ra hướng Kiên Giang. Đồng thời, kiểm tra, khảo sát các tuyến kênh mương; đề xuất tu sửa, nạo vét các tuyến kênh cạn kiệt nước, bồi lắng nhằm đảm bảo việc lấy nước tưới cho cây trồng và vận chuyển lúa. Trong đó, thực hiện nạo vét tuyến kênh Đòn Dông (xã Lương Phi), chuẩn bị nạo vét tuyến kênh ranh giáp với Kiên Giang (thuộc 3 xã Vĩnh Gia, Lạc Quới, Vĩnh Phước).

Mực nước trong các kênh xuống thấp

“Phòng NN&PTNT phối hợp Xí nghiệp Điện nước huyện Tri Tôn xây dựng phương án cấp nước ứng phó hạn hán và xâm ngập mặn, nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong giai đoạn nắng nóng kéo dài” - ông Nguyễn Văn Văn thông tin.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, cùng với nắng nóng, khô hạn, ít mưa do tác động của El Nino, tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long (qua trạm Tân Châu, Châu Đốc) còn thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10%, mực nước các sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh thấp hơn cùng kỳ năm 2023 từ 0,05 - 0,2m; độ mặn cao nhất có khả năng ở mức từ 0,1 - 0,3% và duy trì từ tháng 3 - 5/2024.

Thời gian qua, nhiều đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ từ 35 - 370C xảy ra diện rộng trên địa bàn An Giang, nhu cầu sử dụng nước cho cây trồng, vật nuôi rất lớn. Trong khi đó, mực nước trên các sông, kênh xuống thấp (cao trình mực nước thâp nhất khoảng -0,5m đến -0,6m; mực nước cao nhất khoảng 1,2 - 1,6m), gây khó khăn cho hoạt động bơm tưới của người dân và tăng nguy cơ sạt lở các tuyến sông, kênh, rạch. “Thực tế bờ kênh, đê hiện cao trên 6m và mực nước kênh thấp, nếu nạo vét các tuyến kênh sâu thêm sẽ làm sạt lở mái kênh, đê, làm mực nước hút của máy bơm thấp, dẫn đến hiệu suất thấp, hao phí điện năng cao” - ông Nguyễn Sĩ Lâm đánh giá.

Trước thực tế này, trong đầu tư các công trình phục vụ phòng, chống hạn, kiệt, ngành nông nghiệp lưu ý tập trung các công trình cống, bọng phục vụ vận hành tích nước, nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để phục vụ công tác chống hạn, kiệt.

Thời gian tới, ngành chuyên môn và các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả quan trắc nguồn nước, độ mặn và tình hình khí tượng, thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa thông tin nhanh đến chính quyền địa phương và Nhân dân được biết để chủ động ứng phó. Các địa phương khuyến cáo người dân không xuống giống ở những khu vực không chủ động nước tưới; tăng cường trữ nước; áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm trong sản xuất.

Đối với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, cần chủ động vận hành tích trữ nước ở các hồ chứa, kênh mương... để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất trong điều kiện khô hạn, mực nước hạ thấp. Đồng thời, chủ động vận hành các trạm bơm tưới để bơm lấy nước tưới vào thời điểm mực nước lớn, thay cho giải pháp nạo vét kênh tạo nguồn quá sâu, gây ảnh hưởng sạt lở đê bao, bờ kênh.

Bên cạnh đáp ứng nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được tập trung tối đa khi diện tích rừng trên địa bàn An Giang đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Ghi nhận trong quý I/2024, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy nhỏ, tổng diện tích đám cháy 8,14ha, diện tích rừng bị thiệt hại 1,04ha (rừng trồng cây giáng hương); nguyên nhân chủ yếu do người dân đốt bắt tổ ong, đốt dọn cỏ vệ sinh bất cẩn gây cháy rừng.

HOÀNG XUÂN