Tết rộn ràng với hàng ngàn heo đất

04/02/2019 - 07:00

 - Từ một tập tục khui ống heo ngày Tết của chị, em phụ nữ nông thôn để gom góp những đồng tiền xu mua chút ít trái cây, thực phẩm cúng ông bà hoặc sắm bộ quần áo Tết cho sấp nhỏ, đến nay đã trở thành một hoạt động tiết kiệm lan rộng. Đó là phong trào nuôi heo đất tiết kiệm, nuôi heo đất xoay vòng vốn, mang lại niềm vui cho nhiều chị, em phụ nữ, giúp họ có điều kiện chăm lo tốt hơn cho gia đình trong những ngày Tết.

Tết là niềm vui chung của đất trời, của người người, nhà nhà. Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện để sắm sửa một cái Tết, đầm ấm cho gia đình, đặc biệt là những người lao động bình dân, thu nhập thấp. Từ khi Hội Phụ nữ xã Vọng Đông (Thoại Sơn) phát động phong trào “Nuôi heo đất” trong chị, em phụ nữ, Tết đến nhẹ nhàng hơn đối với các chị. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vọng Đông Trần Trịnh Thanh Thảo chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục phát huy các mô hình tiết kiệm, tương trợ giúp nhau làm ăn của chị, em phụ nữ. Qua thời gian phát động phong trào “Nuôi heo đất”, khuyến khích tiết kiệm theo gương Bác Hồ, nhiều chị, em hăng hái tham gia. Đầu tiên chúng tôi thành lập các tổ tiết kiệm gas, điện, nước và chia sẻ các mẹo vặt tiết kiệm vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày, nhờ vậy chi tiêu vào những khoản cố định đó giảm hẳn. Số tiền dư ra và thu nhập thêm hàng ngày, đôi khi chỉ là vài ngàn đồng lẻ sau khi đi chợ, đều được các chị để dành “cho heo ăn””.

Tết rộn ràng với hàng ngàn heo đất

Các chị cùng nhau khui heo đất và đếm tiền

“Góp gió thành bão”, “Tích tiểu thành đại” luôn là quan điểm sống mà ông bà ta đã dạy bảo con cháu. Người xưa dạy lúc “rủng rỉnh” tiền không nên tiêu xài thoải mái, mà phải biết để dành phòng khi hoạn nạn, đau ốm bệnh tật. Chị Trần Thị Thanh Hồng (ấp Sơn Lập, xã Vọng Đông) cho biết: “Tôi làm nghề bán tạp hóa và quán nước nhỏ, mỗi ngày sau khi trừ tiền ăn uống, sinh hoạt, tôi đều để dành 20.000 đồng vào ống heo, đó là cách tiết kiệm đồng lời và để bản thân dành dụm đồng vốn. Nhờ vậy, mỗi lần các chị, em “mổ heo”, con heo tôi “nặng” kha khá, có khi đến 2-3 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi có thể đóng học phí cho con, sắm sửa quần áo cho các con và mình vào dịp Tết. Nếu vào thời điểm giữa năm không mua sắm, tôi tiếp tục làm vốn trữ hàng”. Còn chị Nguyễn Thị Điệp (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Sơn Lập) cũng không ngờ số tiền thu được từ “cây nhà lá vườn” của mình nhiều đến vậy. Trước đây, mỗi ngày chị hái chuối, đu đủ, lá sầu đâu vườn nhà đem bán, kiếm 20.000-30.000 đồng/ngày, chị cứ tiêu xài lặt vặt. Đến khi có phong trào “Nuôi heo đất”, mỗi khi bán được, chị để vào ống heo. Đến những ngày Tết, chị em họp mặt cùng khui ra, chị đã có số tiền đến 2,5 triệu đồng để sắm sửa quần áo hoặc tã, sữa cho cháu ngoại.

Lợi ích thấy rõ trong việc tự “Nuôi heo đất” là các chị, em có thể thực hành tiết kiệm thường xuyên, tích cóp được một số tiền nho nhỏ cho gia đình. Bên cạnh đó, các chị, em còn có điều kiện sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó hơn mình. Mỗi lần khui heo đất, trên tinh thần tự nguyện, các chị đóng góp năm ba chục ngàn hoặc vài trăm ngàn đồng để mua quà tặng người nghèo. Chị Thanh Thảo cho biết: “Toàn xã có 4 chi hội phụ nữ, 7 tổ “Nuôi heo đất”, với 105 thành viên. Tết năm trước, chúng tôi đã nhận được số tiền đóng góp từ các chị đủ mua 80 phần quà tặng người nghèo, người già yếu neo đơn, khuyết tật ở xã. Các chị vui với số tiền tiết kiệm của chính mình và càng thấy ý nghĩa hơn khi họ đã mang tặng một mùa xuân ấm áp, đầy ắp yêu thương đến những người nghèo khó”.

TRÚC PHA