Trao đổi với PV, cựu binh Lê Hữu Thảo (trú tại phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh), người cũng có mặt tại trận chiến Gạc Ma 30 năm trước, nhớ lại: “Đúng thời điểm này tròn 30 năm về trước, Trung Quốc đã bất ngờ cưỡng chiếm đảo Gạc Ma, nơi Hải quân nhân dân Việt Nam đang đóng quân để bảo vệ chủ quyền trên cụm đảo nơi đây. Và trận hải chiến Gạc Ma bi hùng đã xảy ra. 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Hôm nay chúng tôi - những người đồng đội, người thân của các chiến sỹ đã tổ chức Lễ tri ân tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã hy sinh khi bảo vệ Gạc Ma, quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa)”.
Lễ thả đèn hoa đăng tại cửa biển Cẩm Nhượng huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)
Cũng theo cựu binh Lê Hữu Thảo, để tổ chức buổi Lễ thả đèn hoa đăng này các đồng đội và người thân liệt sĩ đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã chuẩn bị hàng trăm chiếc đèn hoa đăng thả ra biển khơi tri ân những người đồng đội đã ngã xuống vì đất nước.
“Là người trong cuộc, trong những ngày này tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Niềm vui là đã tổ chức được cuộc gặp mặt với người thân các liệt sĩ, các cựu binh để an ủi họ”-cựu binh Gạc Ma tâm sự.
Hàng trăm chiếc đèn hoa đăng được đồng đội, người thân các liệt sĩ đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị làm và thả xuống biển. (Ảnh: P.V)
Sáng 14-3-1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì lính Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản.
Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang bảo vệ đảo, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15.3.1988. 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt.
Theo Dân Việt