Lợi ích kinh tế tập thể
Ở xã Tân Phú (huyện Châu Thành), trước đây nông dân chủ yếu tự sản xuất lúa theo ý mình, nhỏ lẻ, manh mún. Khi UBND xã Tân Phú kết hợp đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đến vận động thành lập HTX Nông nghiệp Tân Phú, nhiều nông dân ngán ngại tham gia.
Tuy nhiên, khi vận hành HTX, những lợi ích của các thành viên rất rõ ràng: Được Tập đoàn Lộc Trời cung cấp giống lúa chất lượng, được cung ứng vật tư nông nghiệp theo giá đại lý, được kỹ sư “3 cùng” của Tập đoàn Lộc Trời hướng dẫn kỹ thuật, được HTX hỗ trợ máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, thuê ghe chở lúa tươi về kho của Tập đoàn Lộc Trời bán theo giá thỏa thuận.
Sau khi bán lúa mới trừ tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các dịch vụ nông nghiệp trong quá trình sản xuất (cày, xới, xuống giống, phun thuốc, bón phân, bơm, rút nước, thu hoạch, vận chuyển…) nên đỡ áp lực vốn đầu vào. Thấy được lợi ích này, số nông dân đăng ký tham gia HTX ngày càng đông hơn.
Tương tự, với các thành viên HTX Nông nghiệp An Bình (huyện Thoại Sơn), khi tham gia sản xuất các giống lúa theo đặt hàng của Tập đoàn Lộc Trời, như: OM18, OM28… và canh tác theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo bền vững), sản phẩm được Tập đoàn Lộc Trời mua với giá cao hơn giá thị trường. HTX còn phát triển được sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là gạo An Bình 1, khai thác thêm nhiều mảng dịch vụ để tăng nguồn thu, chia cổ tức cho các thành viên.
Hợp tác xã triển khai nhiều dịch vụ nông nghiệp hiệu quả
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang, năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 218/KH-UBND để thực hiện. Theo đó, năm qua, toàn tỉnh đã phát triển mới 20 HTX nông nghiệp (đạt 74% chỉ tiêu kế hoạch) và Liên hiệp HTX Tri Tôn, nâng tổng số lên 212 HTX nông nghiệp, có 13.281 thành viên tham gia. Trong đó, có 192 HTX nông nghiệp, 2 liên hiệp HTX (Thoại Sơn và Tri Tôn) đang tổ chức, hoạt động theo Luật HTX 2012.
Trong số 840 người tham gia quản lý, điều hành HTX, có 169 người đạt trình độ đại học, cao đẳng trở lên (chiếm 20,12% nhân sự).
Khắc phục điểm yếu
Qua thống kê, hiện có 33 HTX trên địa bàn An Giang ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, như: Trồng dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; trồng chanh bông tím ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, kết hợp sử dụng điều khiển qua smartphone (điện thoại thông minh); nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP; hệ thống tưới sử dụng pin năng lượng mặt trời... Các HTX này tập trung tại các địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, như: Huyện Thoại Sơn, An Phú, Phú Tân, Tri Tôn, Châu Phú.
Đến nay, có 5 HTX được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, gồm: HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới (sản phẩm nước ép xoài), HTX Nông nghiệp An Bình (gạo An Bình 1), HTX Thương mại dịch vụ du lịch Khánh Hòa (nhãn xuồng), HTX Nông nghiệp Long Bình (xoài keo), HTX Thương mại - dịch vụ - chăn nuôi ếch Khánh Hòa.
Qua tổng hợp từ các địa phương, có khoảng 62 HTX nông nghiệp hợp tác, liên kết với gần 30 DN trên cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ thành lập thành lập mới là 222 THT, với 2.886 thành viên; củng cố, nâng chất 534 THT. Đến nay, toàn tỉnh có 1.087 THT đang hoạt động (đạt chỉ tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025), có 15.925 thành viên tham gia. Qua tổ chức 1.943 cuộc tuyên truyền, vận động, nông dân trong và ngoài THT đã tham gia các mô hình và thực hiện liên kết sản xuất lúa, nếp với Tập đoàn Lộc Trời được 71.854ha.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Trong đó, toàn tỉnh vẫn còn địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu thành lập mới HTX năm 2022; một số HTX còn hoạt động mang tính hình thức; vẫn còn gần 80% nhân sự quản lý, điều hành HTX có trình độ từ trung cấp trở xuống.
Trên thực tế, đa phần HTX không có nguồn vốn đối ứng để đủ điều kiện được hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ các nguồn vốn nông thôn mới, vốn thực hiện Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ, vốn sự nghiệp khoa học - công nghệ… Không ít nông dân vẫn còn tâm lý e dè, chưa mạnh dạn tham gia HTX, THT để cùng sản xuất diện tích lớn, tạo sản phẩm đồng nhất. Trong khi đó, vẫn còn nhiều DN chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất với nông dân và HTX.
“Trong bối cảnh nông nghiệp hiện đại, liên kết sản xuất là yêu cầu tất yếu. Các DN cần chủ động phối hợp thành lập HTX và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ với HTX. Từ đó, nâng cao hiệu quả hợp tác, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp, hướng đến khép kín toàn bộ quy trình sản xuất (giống, vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra) cho đến chế biến, xuất khẩu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX An Giang cùng với các tập đoàn, DN lớn cần phối hợp nhân rộng các mô hình HTX hiệu quả; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư lưu ý.
“Để các HTX hoạt động hiệu quả, cần đặc biệt phát huy vai trò, uy tín của nông dân giỏi, nông dân có diện tích đất lớn. Chính sự tiên phong của những nông dân này sẽ là động lực khuyến khích, tập hợp nhiều nông dân cùng tham gia HTX” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh.
|
NGÔ CHUẨN