Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị.
Theo báo cáo của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 29, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết…
Qua công tác lãnh đạo triển khai, quán triệt Nghị quyết số 29, ngành Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị có liên quan thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, có sự phối hợp, gắn kết với các cấp, các ngành, huy động xã hội tham gia thực hiện đạt kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra.
Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non; hướng dẫn vận dụng một số phương pháp giáo dục tiên tiến như STEM, STEAM, Montessori, Reggio Melia…; học tập mô hình của Nhật Bản; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…
Các đại biểu tham luận tại hội nghị.
Đối với giáo dục trung học, thành phố tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập bậc trung học theo xu hướng nâng cao tỷ lệ đã đạt được qua từng năm. Hiện, có 312/312 phường, xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2021, đối tượng trong độ tuổi từ 15-18 có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là 319.516/325.564, đạt tỷ lệ 98,14% (tăng so với năm 2020, tỷ lệ 97,98%).
Đối với giáo dục phổ thông, thành phố thực hiện tốt đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh. Chủ động triển khai thực hiện giáo dục nhà trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của các cơ sở giáo dục…
Còn với giáo dục nghề nghiệp, tính đến 29-12-2022, số lao động làm việc đã qua đào tạo là 161.676/117.000 người, nâng tổng số lao động đã qua đào tạo tương đương 4.327.336/4.931.593 người. Công tác tuyển sinh đào tạo nghề đạt 377.423/371.000 người...
Tính đến thời điểm hiện nay, có 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đạt chuẩn cơ bản theo quy định, đạt mục tiêu đề ra.
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao Bằng khen cho các nhân vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết 29.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhận định, một kết quả lớn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 đó là sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và gìn giữ cốt cách truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Sự đóng góp to lớn từ nhận thức này đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho thành phố và đất nước. Một trong những nhận thức đó là trách nhiệm của thành phố không chỉ đối với trên 10 triệu người dân thành phố mà còn là trách nhiệm đối với vùng, miền, cùng cả nước, vì cả nước, từ đó tạo ra các chương trình chiến lược, kế hoạch phối hợp hành động với nhiều nội dung mang tính chia sẻ, hỗ trợ rất cao…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần nhận thức, giáo dục và đào tạo là của toàn xã hội, trong đó nhận thức của cấp ủy đóng vai trò then chốt. Do đó, cần tăng cường truyền thông, quán triệt sâu rộng hơn nữa để các tầng lớp nhân dân, các tổ chức ngoài hệ thống cũng như các tổ chức có liên quan tiếp tục quan tâm cùng với hệ thống chính trị đầu tư căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo xứng tầm với thành phố văn minh, hiện đại.
“Một trong những vấn đề mà lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, trăn trở, đó là chăm lo cho đội ngũ thầy, cô giáo, làm sao thu hút được người giỏi, người tài, tâm huyết đến với nghề sư phạm. Đây là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ tìm lời giải, giúp các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với nghề”, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã trao Bằng khen cho 40 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 29.
Theo THANH TÀU (Hà Nội Mới)