Theo phương án thi THPT Quốc gia năm 2019 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, kỳ thi sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi, chấm thi so với năm 2018.
Những giải pháp này được Bộ kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập, tiêu cực, sự can thiệp trái phép vào quy trình tổ chức thi như năm 2018, hướng đến kỳ thi nghiêm túc, trong sạch. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn còn băn khoăn về một số điểm trong khâu tổ chức nên Bộ GD-ĐT cần làm rõ hơn.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tại một số địa phương đã xảy ra gian lận trong khâu chấm thi, đó là các đối tượng đã can thiệp trực tiếp vào bài thi trắc nghiệm và tự luận, làm sai lệch kết quả thi của thí sinh.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Để sự việc tương tự không xảy ra, trong phương án thi THPT Quốc gia năm 2019, Bộ GD-ĐT đã đưa khâu chấm bài thi trắc nghiệm về cho các trường đại học, cao đẳng đảm nhiệm. Đồng thời triển khai một loạt giải pháp kỹ thuật khác như: đặt camera giám sát phòng chấm thi, sửa đổi nâng cấp hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm, “đánh phách” điện tử đối với Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh... nhằm tăng tính khách quan cho khâu chấm thi.
Sự thay đổi này của Bộ thuần túy về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến quá trình tổ chức dạy và học của giáo viên, học sinh các trường phổ thông.
Bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Quan điểm của chúng tôi là việc các trường đại học tham gia vào kỳ thi THPT Quốc gia để đánh giá, để đảm bảo tính khách quan và cho xã hội thấy nhiều niềm tin hơn, không phải là giáo dục phổ thông chúng tôi tự đá bóng, tự thổi còi. Chúng tôi cho rằng, nếu mình đã xác định việc học là học thật và là trách nhiệm của thầy và trò nhà trường thì cơ quan nào đánh giá cũng được và chúng tôi vẫn làm như vậy”.
Tuy vậy, một số chuyên gia giáo dục nhận định, một kỳ thi gồm nhiều khâu, từ khâu bảo quản đề thi, bài thi, tổ chức coi thi, nhập dữ liệu điểm thi của thí sinh vào hệ thống phần mềm. Những khâu này sẽ do Sở GD-ĐT hay trường đại học, cao đẳng đảm nhiệm. Thực tế việc tổ chức thi cho thấy, các trường đại học, cao đẳng chỉ có thể làm tốt được nhiệm vụ của mình tại địa phương khi được giao quyền và trách nhiệm lớn nhất.
Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, Bộ GD-ĐT giao cho các trường đại học, cao đẳng chấm bài thi trắc nghiệm nhằm triệt tiêu gian lận, vậy đối với bài thi tự luận do các Sở GD-ĐT đảm nhiệm chấm thi liệu có đảm bảo triệt tiêu được gian lận hay không.
“Thi phổ thông mà lại đại học đi chấm thì cực kỳ vô lý. Cho nên tôi vẫn nói là đưa vấn đề đại học tham gia vào cuộc thi là không được. Ý tưởng của chúng ta có lắp bao nhiêu camera trong phòng thi cũng thế. Hai nữa kỳ thi của chúng ta có phải vì để chống gian lận đâu. Thi của chúng ta là để kiểm tra chất lượng, để nâng cao chất lượng trong những đợt sau. Nếu kỳ thi mà làm như thế là ta đang lo thi của trẻ con để chống tham nhũng của người lớn”, Giáo sư Phạm Tất Dong nói.
Trong phương án thi 2019, Bộ GD-ĐT đã đưa ra giải pháp lắp camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi, phòng chấm thi 24 giờ/ngày để tăng cường khả năng giám sát. Thế nhưng, một số ý kiến cho rằng, giải pháp này là chưa đủ vì việc gian lận có thể xảy ra ngay trong khâu coi thi. Vì vậy, nhiều chuyên gia cũng đề xuất lắp camera ở tất cả phòng thi THPT Quốc gia.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng gặp khó khăn là kinh phí đầu tư lớn, hiệu quả sử dụng không cao do trong một năm chỉ sử dụng vài ngày, sau đó còn tổ chức bảo quản, quản lý thiết bị...
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy nếu ý kiến: “Tôi chưa nghĩ ra Bộ làm thế nào để lắp được ở những vùng không có điện chẳng hạn. Nhưng tôi nghĩ rằng chắc là Bộ sẽ đưa về nơi trung tâm ở các địa phương để lắp camera cho ổn định hơn, việc đó làm được, không phải khó. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng không lắp hết được ở ngoài xã hội, đặc biệt chúng ta chú ý một tí là vẫn là con người, con người mới làm ra máy móc, máy móc không làm thay thế con người được”.
Có thể thấy, chính Bộ GD-ĐT đang nỗ lực điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong khâu tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 nhằm hạn chế những tiêu cực đã xảy ra trong kỳ thi năm 2018. Đây cũng là những giải pháp được tính toán kỹ lưỡng căn cứ trên điều kiện hiện có ở Việt Nam. Tuy vậy, điều mà xã hội kỳ vọng là đi kèm với những giải pháp kỹ thuật, Bộ cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời phân rõ quyền và trách nhiệm cho các đơn vị tổ chức thi THPT Quốc gia 2019, từ đó để có sơ sở xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra sai phạm./.
Theo MINH HƯỜNG (VOV)