Học sinh lớp 12 ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đó là công bằng về đề thi nếu có 2 đợt thi khác nhau; kết quả thi phải công bằng cho thí sinh (TS) ở tất cả các vùng miền, địa phương trên cả nước vì kết quả của kỳ thi vẫn được dùng để xét tuyển ĐH, CĐ. Muốn làm như vậy thì từ khâu coi thi, chấm thi phải đảm bảo nghiêm túc, minh bạch. “Ví dụ với việc chấm thi môn tự luận duy nhất là môn ngữ văn, Bộ cần quy định rõ việc vận dụng hướng dẫn chấm chặt chẽ vì nếu không, kết quả chỉ chênh nhau 1 điểm đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của TS khi sử dụng kết quả đó để xét tuyển ĐH”, ông Dũng nói.
Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Bắc Ninh đề nghị: “Đối với TS tham dự thi đợt 2, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn, chỉ đạo các trường ĐH, CĐ dành chỉ tiêu tuyển sinh để các TS an tâm trong nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang đề nghị cho phép các TS có nguyện vọng xét tuyển theo học bạ và xét tuyển thẳng không nộp hồ sơ đúng thời gian quy định do phải cách ly được nộp hồ sơ chậm hơn so với quy định.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, Quảng Nam… đều đề nghị Bộ GD-ĐT cần hết sức lưu tâm đến việc giảm tải trong nội dung đề thi năm nay vì TS chịu 2 năm liền tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Việc HS học trực tuyến dù có hiệu quả nhất định nhưng rõ ràng so với học trực tiếp thì các em thiệt thòi rất nhiều.
Xung quanh các đề xuất trên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Trong trường hợp nếu phải thi thành 2 đợt, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức việc xây dựng đề thi đảm bảo cân bằng đề thi giữa 2 đợt để đảm bảo công bằng cho TS ở các đợt thi khác nhau”.
Ông Độ cũng khẳng định Bộ sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp, chỉ đạo để đảm bảo công bằng trong đánh giá, chất lượng chấm thi, coi thi, đặc biệt với chấm thi môn văn, chấm thi tự luận.
Theo TUYẾT MAI (Thanh Niên)