Thiết thực Tổ phụ nữ nói không với “tín dụng đen”

05/07/2022 - 07:45

 - Tạo môi trường lành mạnh để hội viên phụ nữ gặp gỡ, giao lưu, động viên, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh (SXKD), giúp nhau cùng phát triển, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc là mục tiêu của Tổ phụ nữ nói không với “tín dụng đen” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) thực hiện.

Vọng Đông là xã thuần nông, người dân đa số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Xã có 4 ấp với 10.160 nhân khẩu, trong đó, phụ nữ chiếm 4.945 nhân khẩu. Nhận thấy hoạt động “tín dụng đen” diễn ra phức tạp, Hội LHPN xã Vọng Đông đã tổ chức lễ ra mắt Tổ phụ nữ nói không với “tín dụng đen”. Theo đó, ấp Sơn Tân được chọn làm điểm thực hiện Tổ phụ nữ nói không với “tín dụng đen”, với 1 tổ trưởng, 1 tổ phó và 13 thành viên.

“Việc thành lập Tổ phụ nữ nói không với “tín dụng đen” nhằm tạo điều kiện để các hội viên phụ nữ gặp gỡ, giao lưu, động viên nhau trong cuộc sống. Qua đó, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của phụ nữ về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Mặt khác, tổ có nhiệm vụ đề xuất với lãnh đạo Hội LHPN các cấp về những kiến nghị liên quan đến tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các thành viên trong tổ nhằm hỗ trợ, giải quyết kịp thời và tạo điều kiện giúp chị em  trao đổi kinh nghiệm trong SXKD” - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Sơn Tân Nguyễn Thị Mây cho biết.

Thông qua Tổ phụ nữ nói không với “tín dụng đen” nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên về quản lý tài chính, chi tiêu trong gia đình và giúp chị em nhận diện các hình thức, thủ đoạn hoạt động phi pháp của “tín dụng đen”. Qua sinh hoạt định kỳ, tổ còn phối hợp ngành chức năng phổ biến các kiến thức, kỹ năng cơ bản để nhận biết những thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” cho hội viên. Với khẩu hiệu “3 không”: Không cho vay nặng lãi; không vay tiền của các tổ chức, cá nhân chưa có sự quản lý của nhà nước; không thực hiện các hành vi quảng bá, phát, dán tờ rơi về hoạt động cho vay lãi suất cao - đó chính là tôn chỉ của tổ.

Ra mắt Tổ phụ nữ nói không với “tín dụng đen” xã Vọng Đông  

Hiện nay, “tín dụng đen” đã len lỏi không chỉ ở thành thị mà cả những vùng sâu, vùng xa, với điều kiện, thủ tục vay rất đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng. Mặc dù ai cũng hiểu “tín dụng đen” là tín dụng phi chính thức, là hình thức tín dụng tư nhân nằm ngoài khuôn khổ hoạt động của hệ thống ngân hàng, lãi suất cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất nhà nước quy định, nhưng nhiều người vẫn bị rơi vào vòng xoáy của “bẫy” vay nóng, trả lãi ngày, lãi tháng. Có thể vì nhiều lý do như người dân cần vốn SXKD, tiêu dùng, giải quyết công việc đột xuất…

Cũng có trường hợp nhiều người không biết đó là “tín dụng đen” mà nghĩ chỉ là một hình thức vay và trả tiền theo thỏa thuận đơn giản, không tìm hiểu kỹ nội dung khi vay. Đến khi chủ nợ tính “lãi mẹ đẻ lãi con” thì lúc đó mới biết mình đang vay “tín dụng đen”. Hậu quả của “tín dụng đen” là người vay phải trả lãi suất cao trong thời gian ngắn hoặc liên tục bị điện thoại đòi nợ. Các đối tượng còn điện thoại cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của người vay nhằm khủng bố tinh thần, ép người vay trả nợ.

Cô Lê Thị Dung (sinh năm 1951, ngụ ấp Sơn Tân, xã Vọng Đông) chia sẻ: “Dù sinh sống ở địa bàn nông thôn nhưng tôi cũng nghe nói rất nhiều về “tín dụng đen” cũng như những thủ đoạn cho vay nên rất đề cao cảnh giác. Thời gian qua, nhiều đối tượng mời gọi tôi vay vốn với hình thức chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Được tuyên truyền nhiều, tôi biết đó là “tín dụng đen” nên không vay.

Để hỗ trợ vốn cho chị em phụ nữ, nhiều năm qua, phụ nữ ấp Sơn Tân duy trì Tổ xoay vòng vốn từ 1 triệu đồng (góp vốn hàng tháng) đến 5 triệu đồng hay 10 triệu đồng (góp lúa mùa). Các tổ hùn vốn hoạt động rất hiệu quả, nhất là việc hùn vốn với hình thức góp lúa mùa. Mỗi thành viên sau từng vụ thu hoạch lúa sẽ góp vốn 5 triệu đồng, tổng cộng 10 triệu đồng/năm. Chị em khó khăn sẽ được ưu tiên hốt vốn trước, với số tiền từ 100-200 triệu đồng. Nhờ vậy, nhiều chị em từ nghèo đã thoát nghèo rồi dần trở nên khá giả. Có thành viên xây dựng được nhà ở khang trang, thay đổi diện mạo nông thôn”.

Thời gian qua, Hội LHPN xã Vọng Đông đã thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đồng thời, vận động chị em tham gia tổ xoay vòng vốn tại các chi hội được 29 tổ, có 268 hội viên tham gia, với số tiền 6,2 tỷ đồng. Đến nay, toàn xã có nhiều mô hình phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ (trong đó, 4 tổ may gia công và 5 tổ dịch vụ nấu ăn (ấp Sơn Hòa); cơ sở làm bánh Thạch Thảo (ấp Sơn Lập), 2 tổ phụ nữ sơ chế yến (ấp Sơn Tân), 2 mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (ấp Sơn Lập) với thu nhập bình quân từ 50 - 200 triệu đồng/năm). Trong 5 năm qua, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã được Hội LHPN xã Vọng Đông đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả. Qua đó, từng bước giúp hội viên phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

“Tổ phụ nữ nói không với “tín dụng đen” hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Các thành viên duy trì sinh hoạt định kỳ, cùng chia sẻ, trao đổi về các hình thức tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi của ngân hàng; thực hành tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Với mục đích đó, các thành viên trong tổ tiếp tục tuyên truyền cho phụ nữ trong xã biết và tránh xa “tín dụng đen”; tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong quá trình làm kinh tế gia đình, các chị em cần vay vốn cứ mạnh dạn liên hệ để được địa phương hỗ trợ giới thiệu, làm hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vọng Đông Trần Hữu Giàu nhấn mạnh.

PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích