Người lao động tìm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Khó tuyển lao động
Tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Một số doanh nghiệp tuần nào cũng phải đến các sàn giao dịch việc làm hay trung tâm giới thiệu việc làm để tìm kiếm lao động, nhưng vẫn rất khó tìm được lao động ưng ý.
Công ty Duy Anh Foods tại TP Hồ Chí Minh (chuyên sản xuất bún, bánh tráng... xuất khẩu) có nhu cầu tuyển khoảng 250 - 300 công nhân trong năm 2022. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, công ty chỉ tuyển được 60 - 70% số lao động so với nhu cầu. Đại diện Công ty Duy Anh Foods cho biết, doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo để tuyển thêm lao động trong giai đoạn bình thường mới sau dịch bệnh COVID-19. "Nếu tuyển được đầy đủ số lao động, doanh nghiệp có thể tăng sản lượng xuất khẩu thêm 30 - 40%, thay vì chỉ xuất khoảng 3 - 4 tấn hàng mỗi ngày như hiện nay", đại diện công ty cho biết.
Tương tự, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, trong Hiệp hội có nhiều doanh nghiệp đang "đứng ngồi không yên" vì rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động, dù doanh nghiệp đã liên tục rao tuyển nhưng vẫn không đủ; đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da và các công việc dịch vụ như kho bãi, giao nhận, xuất nhập khẩu, kinh doanh.
Các công ty may mặc có nhiều chính sách để giữ chân lao động trong giai đoạn phục hồi sản xuất.
"Dịch COVID-19 kéo dài nên nhiều lao động về quê, ngành dịch vụ chuyển qua làm online nên nhiều người lao động thời vụ, lao động phổ thông hiện giờ đã quen việc, không muốn bó buộc khiến nguồn lao động đang thiếu ổn định và dịch chuyển rất nhanh. Ngoài ra, do chi phí đi lại tốn kém vì giá xăng dầu tăng, giá cả lương thực thực phẩm ở các thành phố lớn cũng tăng kéo theo chi phí sinh hoạt của công nhân tăng theo trong khi thu nhập không tăng, vì vậy đã có không ít lao động chọn nghỉ việc ở các thành phố lớn để chuyển về quê làm cho gần, không phải đi xa”, ông Trần Việt Anh lý giải.
Là ngành đang thiếu hụt lao động nhiều nhất, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP Hồ Chí Minh cho biết: "Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến cuối năm nhưng không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ, không thể cung cấp đủ sản phẩm cho đối tác do thiếu lao động. Hiện nay, 70 - 80% đơn hàng giày da của Việt Nam là gia công nên rất cần nhiều lao động phổ thông. Sắp tới, các doanh nghiệp cần hoàn thiện đơn hàng cho cuối năm, nếu tình trạng thiếu lao động kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ mất mối làm ăn và mất thị trường xuất khẩu".
Cung - cầu đang lệch nhau
Theo ông Trần Việt Anh, thị trường lao động Việt Nam đang không cân đối ngành đào tạo vì việc đào tạo không phù hợp theo nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, ngành bao bì có nhu cầu lao động rất lớn và doanh nghiệp FDI đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, nhưng những trường đào tạo ngành này trong nước lại đang chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Hoặc như ngành tái chế là ngành kinh tế tuần hoàn, nhà nhập khẩu nào cũng yêu cầu hàng tái chế, nhưng Việt Nam lại không tìm ra cơ sở đào tạo nhân lực ngành này, doanh nghiệp muốn có người phải tự mày mò đào tạo với thời gian lâu, chi phí lớn.
“Để đảm bảo cung - cầu lao động gặp nhau và đào tạo đúng lao động chuyên ngành cho doanh nghiệp, nhà nước nên ưu tiên hơn nữa khâu đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp đang cần lao động như các ngành xuất khẩu, bởi đây là ngành đem ngoại tệ về cho Việt Nam; hoặc đào tạo những lao động mà doanh nghiệp FDI đang chú trọng đầu tư ở Việt Nam để sau khi các doanh nghiệp này rút đi, Việt Nam có thể thừa hưởng công nghệ và lao động dễ dàng tiếp cận khi họ về nước”, ông Trần Việt Anh phân tích thêm.
Các lao động có tay nghề đang được doanh nghiệp trả lương khá cao.
Ông Nguyễn Văn Khánh cũng cho biết, hiện nay, doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam đang không biết tìm đâu ra lực lượng lao động đã qua đào tạo. Chẳng hạn, có doanh nghiệp cần 300 lao động giày da được qua đào tạo nhưng "đỏ mắt" đi tìm ở các trường đều không đủ. Vì vậy, để có đủ nhân lực, các doanh nghiệp đang phải đẩy mạnh liên kết với trường nghề để đưa lao động sang đào tạo cấp tốc nhằm "chữa cháy". Ngoài ra, để có được người lao động, nhiều doanh nghiệp còn chấp nhận tăng lương, tăng hỗ trợ chỗ ở, ăn uống, kêu gọi lao động cũ ở lại và thu hút thêm lao động mới.
"Hội đang khuyến khích doanh nghiệp tăng cường cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, tiết giảm nhân công. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần khảo sát trước nguồn lao động tại chỗ, liên kết với chính quyền để đặt hàng, đào tạo trước lao động để tránh tình trạng thiếu lao động làm việc", ông Nguyễn Văn Khánh cho biết.
Theo HOÀNG TUYẾT (Báo Tin Tức)