Thoại Sơn chăm lo tốt cho đồng bào các dân tộc thiểu số

15/07/2019 - 07:51

 - Thoại Sơn hiện có 6 dân tộc thiểu số (DTTS), gồm: Khmer, Hoa, Chăm, Mông, Ê Đê, Tày, với 1.170 hộ, chiếm 2,61% tổng số hộ dân trong toàn huyện.

Đời sống vật chất, tinh thần bà con dân tộc thiểu số huyện Thoại Sơn ngày càng thay đổi rõ nét

Nhiệm kỳ qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách của Đảng và nhà nước, cùng sự nỗ lực không ngừng của người dân đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao.

Sự đổi thay của đồng bào DTTS dễ nhận thấy nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, những ngôi nhà khang trang vững chắc của người dân mọc lên ngày càng nhiều. Những năm qua, Thoại Sơn đã tập trung và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, ngân sách và các nguồn lực khác trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, giảm nghèo, phát triển bền vững; thực hiện các chương trình của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng hỗ trợ về nhà ở, điện, giáo dục, đất ở cho hộ nghèo là người DTTS. Ngoài việc tiếp cận, thụ hưởng các chương trình chung, bà con còn được hỗ trợ các chính sách riêng dành cho đồng bào DTTS. Thị trấn Óc Eo, nơi tập trung đông đồng bào DTTS Khmer với 792 hộ, 3.609 người. Hầu hết, đồng bào Khmer có mối quan hệ mật thiết với đồng bào Khmer các nơi lân cận, nguồn thu nhập chủ yếu của bà con dựa vào trồng trọt, chăn nuôi gia đình và làm dịch vụ theo thời vụ.

Sư phó Thạch Phong (chùa KalBopRuk, thị trấn Óc Eo) cho biết: “Hưởng ứng các phong trào của MTTQ huyện và các đoàn thể phát động, sự đồng cảm muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS Khmer còn cao nên hàng năm, Ban Quản trị chùa KalBopRuk đã làm tốt công tác từ thiện như: thăm hỏi bệnh nhân nghèo, tặng tập, viết cho học sinh nghèo, hỗ trợ mai táng miễn phí… với số tiền gần 100 triệu đồng. Song song với việc truyền dạy giáo lý nhà Phật, chúng tôi tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là tuyên truyền việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho chư tăng, tín đồ. Để góp phần giữ gìn tiếng nói, chữ viết dân tộc Khmer, từ năm 1997 đến nay, chùa đã mở các lớp học chữ Khmer cho đồng bào DTTS Khmer cũng như dân tộc Kinh, nhiều nhất là trong dịp hè. Nhờ vậy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc luôn được đảm bảo. Từ đó, trình độ văn hóa, dân trí của chư tăng cũng như con em đồng bào phật tử được nâng lên rõ rệt”.

 Là ngôi trường có khá đông học sinh là con em DTTS Khmer, năm học 2018-2019, Trường THCS Nguyễn Công Trứ (thị trấn Óc Eo) có 223 học sinh người dân tộc/1.171 học sinh. Tỷ lệ học sinh dân tộc khá giỏi đạt 61,88% so với tổng số học sinh dân tộc, không còn học sinh bị xếp loại kém. Cô Trần Thị Tuyết (giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ) chia sẻ: “Năm học vừa qua, trường chúng tôi có 3 học sinh người dân tộc đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, 1 học sinh giỏi cấp tỉnh. Đồng thời, số học sinh giỏi, tiên tiến là người dân tộc cấp trường tăng hàng năm. Học sinh đủ điều kiện xét tốt nghiệp đạt 100%, không có học sinh vi phạm đạo đức. Để đạt được thành tích trên, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS như: vận động nhiều nguồn hỗ trợ các em khó khăn ngay từ đầu năm, như: sách vở, quần áo; tổ chức chuyên đề nâng cao chất lượng học sinh nhất là học sinh yếu, kém; phân công giáo viên có nhiều kinh nghiệm dạy bồi dưỡng cho học sinh yếu kém; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động thể dục - thể thao, các trò chơi dân gian nhằm giáo dục tinh thần và rèn luyện ý thức chấp hành kỷ luật giúp học sinh cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.

Còn với đồng bào DTTS Hoa, hiện có 88 hộ, với 445 nhân khẩu, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Núi Sập. Họ đã và đang phấn đấu hàng ngày, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Núi Sập Ngan Minh Nhơn bày tỏ: “Là người dân tộc Hoa, vốn là cựu giáo viên nên tôi ý thức rằng, chỉ có học vấn mới có thể thay đổi bản thân, phát triển xã hội, làm cho đất nước ngày càng phồn thịnh. Từ đó, tôi đã chủ động phối hợp các thành viên, xây dựng và củng cố các chi hội khuyến học. Đến nay đã xây dựng được 11 chi hội ở 5 ấp và 6 trường học. Những năm qua, Hội Khuyến học thị trấn Núi Sập luôn vận động các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm đóng góp tiền bạc, vật chất, mua bảo hiểm y tế… cho các em thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn với số tiền từ 300-350 triệu đồng/năm”. Ông Nhơn còn được cộng đồng người Hoa ở Thoại Sơn tín nhiệm bầu là người uy tín trong cộng đồng. Nhờ vậy, ông đã hướng dẫn, vận động bà con DTTS Hoa phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện tại địa phương, thực hành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, ông bà nêu gương mẫu mực, nuôi dạy con cháu thành người có ích.

Chính nhờ thực hiện tốt đường lối đổi mới của Đảng, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Thoại Sơn luôn đoàn kết, gắn bó với cộng đồng dân cư, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền huyện nhà thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.         

 PHƯƠNG LAN