Cùng với lao động xuất khẩu, lao động tại chỗ của địa phương luôn được đảm bảo quyền lợi, đảm bảo đời sống
Vừa kết thúc hợp đồng lao động ở Nhật Bản, anh Lê Kinh Quốc (sinh năm 1990, ngụ ấp Đông Sơn II, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) phấn khởi trở lại quê nhà trong sự chào đón của gia đình, người thân và bạn bè. Chia sẻ về công việc cũng như những các khoản thu nhập do chính bản thân mình làm ra, anh Quốc bồi hồi cho biết, nếu không nhờ xuất khẩu lao động, cuộc sống anh không được như hôm nay. Bởi trước đó, anh Quốc không có việc làm ổn định. “Khi được địa phương, gia đình gợi ý đi xuất khẩu lao động, lúc đầu tôi cũng đắn đo, nhưng sau những lần được địa phương tuyên truyền về chính sách xuất khẩu lao động, tôi có được niềm tin và quyết định đi xuất khẩu lao động. Sau khi học khóa ngắn hạn tiếng Nhật, tôi có được chút ít “vốn” ngoại ngữ để giao tiếp thông dụng khi ở xứ người. Năm 2016, lần đầu tiên tôi xa nhà để đi xuất khẩu lao động. Ở Nhật Bản, tôi làm cho một xưởng túi nhựa khá lớn. Càng làm việc, tôi càng hiểu rằng người Nhật rất coi trọng nguyên tắc, tuân thủ giờ giấc làm việc. Ba năm sống và làm việc ở đó, tôi rèn cho mình tính tự lập. Đi chơi là chuyện rất xa xỉ vì thời gian rảnh tôi thường nghỉ ngơi và học tập, tìm hiểu nâng cao tay nghề. Với mức lương 30 triệu đồng/tháng, tôi tiết kiệm gửi về cho ba mẹ trang trải cuộc sống. Sau 3 năm chăm chỉ làm việc, tôi đã tích lũy được gần 500 triệu đồng. Hiện, tôi đã hết hợp đồng xuất khẩu lao động và đang dự định đăng ký lần 2 để tranh thủ kiếm tiền, sau này sẽ tạo lập sự nghiệp trên quê hương” - anh Quốc bộc bạch.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thoại Sơn Trần Trọng Danh cho biết: “Được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và sự trợ giúp hiệu quả của ngành chuyên môn nên công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện đạt kết quả khá tốt. 6 tháng đầu năm 2019, chúng tôi đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, các đoàn thể huyện và các doanh nghiệp có uy tín tư vấn về công tác xuất khẩu lao động ở các xã, thị trấn được 18 cuộc, với sự tham dự của 386 lao động. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn chủ động bố trí cán bộ tư vấn, tuyên truyền, giải thích cho người lao động. Đồng thời, hướng dẫn lao động làm hồ sơ, các thủ tục cần thiết khi có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động để người dân tiếp cận thông tin nhanh và chính xác nhất về thị trường lao động cũng như chi phí xuất cảnh. Qua đó hạn chế tình trạng người lao động bị lừa đảo qua các dịch vụ xuất khẩu lao động “ma”, cũng như việc xuất cảnh trái phép và đi xuất khẩu lao động qua đường tiểu ngạch. Hầu hết những lao động và gia đình lao động ở nước ngoài thấy được điều kiện lao động tốt và mức thu nhập khá nên đã tư vấn thêm cho anh em họ hàng cùng đi. Có người sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động đã về nước và đăng ký đi lần 2, lần 3 với mong muốn có thêm vốn lập nghiệp, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ có người thân xuất khẩu lao động”.
Từ đầu năm đến nay, huyện Thoại Sơn có 39 lao động đi xuất khẩu lao động ở các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Đa số những lao động này đều là lao động phổ thông, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp ở nước ngoài. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ đưa 65 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo ông Trần Trọng Danh, những năm qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng lao động thông qua các công ty được cấp phép làm dịch vụ xuất khẩu lao động. Điển hình là Đề án số 10/ĐA-UBND ngày 30-10-2018 của UBND huyện Thoại Sơn về việc “Tăng cường đưa lao động Thoại Sơn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018-2020”. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí việc làm và xuất khẩu lao động trong việc phát triển kinh tế của địa phương.
Theo anh Lê Kinh Quốc, lao động vừa trở về từ nước Nhật, nếu không có quyết tâm thoát nghèo và ý chí vươn lên thì rất dễ bị sa ngã vì sự hào nhoáng nơi đất khách. Chưa kể nếu đi xuất khẩu lao động theo đường tiểu ngạch, không qua công ty có uy tín rất dễ bị bóc lột sức lao động, tiền lương thấp, chật vật nơi xứ người. Nhằm tránh những tình trạng trên cũng như thực trạng lao động “chui”, công tác tuyên truyền giúp người lao động nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước là việc rất cần thiết và phải được quan tâm đặc biệt. “Bên cạnh thông tin tuyên truyền, chúng tôi lựa chọn những công ty xuất khẩu lao động có đủ tư cách pháp lý, uy tín và được phép tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện nhằm ngăn ngừa hành vi lừa đảo người lao động. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tuyển chọn lao động đi làm việc nước ngoài, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt là quan tâm đào tạo nguồn lao động chất lượng có chuyên môn kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ để cung ứng thị trường lao động đòi hỏi chất lượng ở nước ngoài” - ông Trần Trọng Danh cho biết thêm.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN