Thoại Sơn “lá cờ đầu” xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang - Kỳ 1: Từ huyện thuần nông nỗ lực vươn lên huyện nông thôn mới

14/09/2022 - 09:32

 - Có xuất phát điểm rất khó khăn, thiếu thốn cả về nhân lực và vật lực. Nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện, diện mạo Thoại Sơn đã đổi thay từng ngày, được công nhận là huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh An Giang…

 

Những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại dần thay thế mô hình sản xuất lạc hậu khi xưa

Dấu ấn về huyện Thoại Sơn anh hùng

Thoại Sơn là huyện đầu tiên của cả nước đạt 3 danh hiệu: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” và huyện “Nông thôn mới”. Bước vào thời kỳ đổi mới, Thoại Sơn có nhiều chủ trương đột phá về cơ chế khoán đất sản xuất nông nghiệp, cơ chế phân phối, lưu thông hàng hóa, lương thực.

Bằng những cách làm phù hợp, những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, huyện đã thực hiện chủ trương chuyển vụ thành công toàn bộ diện tích 37 ngàn ha đất sản xuất từ 1 vụ lên 2 vụ/năm, tạo động lực cho nền kinh tế bứt phá. Trên đà phát triển đó, thực hiện chủ trương “tam nông” của tỉnh, giai đoạn 2001 – 2009, địa phương tiếp tục tạo bước đột phá mới, với đề án xây dựng hệ thống đê bao kiểm soát lũ kết hợp giao thông nông thôn theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Kết quả, nhân dân tích cực hưởng ứng, đóng góp trên 60% tổng kinh phí đầu tư, hoàn thiện hạ tầng sản xuất an toàn 3 vụ/năm. Theo đó, tổng diện tích gieo trồng hàng năm của huyện đến nay đạt trên 100 ngàn ha, sản lượng hơn 700 ngàn tấn, tăng gấp 10 lần so những năm đầu thập niên 80.

Những thành tựu vượt bậc đó đã tạo ra bước chuyển mới trong phát triển nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ một vùng đất hoang hóa, Thoại Sơn đã chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, hạ tầng giao thông, đô thị ngày càng phát triển khang trang, các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ, du lịch có bước chuyển biến khá.

Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, Đảng bộ, chính quyền huyện Thoại Sơn còn đặt biệt quan tâm chăm lo các vấn đề an sinh xã hội. Các lĩnh vực giáo dục y tế, các thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư khá đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe và thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Bằng những cách làm sáng tạo, hợp lòng dân, nhiều phong trào xã hội từ thiện đầy nhân văn đã hình thành và phát triển rộng khắp, như: Hội mái ấm tình thương; các đội thiện nguyện xây cầu đường nông thôn; Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo… Qua đó, đã giúp đỡ cho hàng chục nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn có điều kiện vươn lên.

Với những cách làm sáng tạo, thiết thực, phù hợp thực tế, cũng như nguyện vọng người dân, Thoại Sơn đã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng huyện NTM đầu tiên của An Giang. Nỗ lực không ngơi nghỉ, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, cả hệ thống chính trị, Thoại Sơn đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM năm 2018, sớm hơn lộ trình 2 năm so mục tiêu đề ra.

Đạt chuẩn huyện NTM là bước chuyển mình của huyện Thoại Sơn, góp phần nâng cao đời sống người dân

Bước chuyển mình từ khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới đến nay

 “Trước kia, cuộc sống nơi đây rất khó khăn. Đường sá, cầu cống các thứ hầu như đều xuống cấp. Những hôm trời mưa dầm, người lớn đi còn té, nói gì đến trẻ nhỏ. Nhưng nay cảnh đó đã không còn nữa, cầu bê-tông kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, đường đất lầy lội ngày nào giờ được tráng nhựa, bê-tông vững chãi. Được địa phương tích cực tuyên truyền về NTM, tôi cũng dần hiểu được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của người dân. Hễ xã kêu gọi chung tay xây dựng bất cứ cây cầu bê- tông nào, tôi đều ủng hộ và đóng góp mỗi cây cầu trị giá 10 triệu đồng. Không những vậy, tôi còn tích cực ủng hộ địa phương cất nhà cho hộ nghèo và đóng góp công sức để công trình sớm hoàn thành. Giờ có tuổi rồi, giúp được gì để quê hương ngày càng phát triển, tôi đều sẵn lòng!” – ông Thái Văn Oai (ngụ ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn) chia sẻ.

Cùng chung niềm hân hoan, phấn khởi khi nhìn thấy khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ở huyện NTM Thoại Sơn đang dần rút ngắn, ông Chung Văn Mạnh (ngụ ấp Bình Thành, xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn) bộc bạch: “Tuy tuổi đã cao, nhưng hễ địa phương xã hội hóa xây dựng cầu bê- tông mới nào, tôi cũng hết mình tham gia. Khả năng không thể đóng góp vật chất nhiều, nhưng tôi sẵn sàng đóng góp ngày công xây dựng cùng anh em để công trình sớm hoàn thành. Nhiều năm qua, không ai bảo ai, tôi cùng vài anh em địa phương họp sức dặm vá đường lộ nông thôn để bà con đi lại dễ dàng hơn. Với suy nghĩ làm đẹp cho quê hương, cũng là để con cháu sau này thụ hưởng thôi…!”.

Qua 8 năm (từ năm 2011-2018), thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ một vùng đất thuần nông còn nhiều khó khăn, nhờ được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ thường xuyên của Trung ương, của tỉnh, cùng sự quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, nhất là sự đồng tình ủng hộ của tầng lớp nhân dân, huyện đã huy động được hơn 2.119 tỷ đồng từ ngân sách các cấp, vốn huy động trong nhân dân và các doanh nghiệp.

Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh là 1.128 tỷ đồng chiếm 53,28%, để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi diện mạo và đời sống nhân dân vùng nông thôn và đô thị, đồng thời thúc đẩy khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất kinh doanh phát triển. Theo đó, đến cuối năm 2018, mức thu nhập bình quân đầu người ở huyện đạt 47 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới giảm còn 3,10% so năm 2011 là 6,60%.

Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phong trào xây dựng NTM của huyện Thoại Sơn ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng, với sự tham gia tích cực của người dân, các xã thi đua  cùng về đích nông thôn mới nâng cao, đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Sau nhiều nỗ lực, hiện, huyện Thoại Sơn có 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao (14/14 xã) và là huyện đầu tiên của tỉnh An Giang hoàn thành xây dựng xã NTM nâng cao. Với phương châm: Xây dựng NTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, huyện Thoại Sơn đang tiếp tục phấn đấu để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn, để xứng đáng với danh hiệu “Huyện NTM”, được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Kỳ 2: “Thay áo” mới từ nông thôn mới!

PHƯƠNG LAN