Khi lòng dân đã tỏ thì việc gì cũng thông
Đường nông thôn lầy lội xưa nay đã khởi sắc
Hiện, 14/14 xã của huyện Thoại Sơn đều đạt chuẩn xã NTM nâng cao
Làng quê khởi sắc
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Thoại Sơn đã chung sức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hướng đến huyện NTM nâng cao và đã đạt được kết quả quan trọng. Trong đó đã tạo sự chuyển biến tích cực phát triển nông nghiệp; cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất được tổ chức hợp lý, gắn nông nghiệp với sự phát triển công nghiệp, dịch vụ; tăng thu nhập nâng cao đời sống của nông dân; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Hiệu quả kinh tế - xã hội từ việc đầu tư kết cấu hạ tầng đã mang đến sức sống mới cho quê hương Thoại Sơn, khiến bao người con xa quê ngỡ ngàng. Đó là mạng lưới giao thông nông thôn, cầu nông thôn kể cả các tuyến kênh nội đồng đều được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Hệ thống trường lớp được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, góp phần thuận lợi cho nâng cao chất lượng dạy và học ở địa phương.
“Gần 10 năm xa quê đi làm ăn xa, nay quyết định trở về sinh sống trên quê hương, tôi thật bất ngờ với những đổi thay hôm nay của xã nhà nói riêng và huyện Thoại Sơn nói chung. Những cây cầu bê- tông kiên cố và lộ giao thông nông thôn được trải nhữa sạch đẹp trải dài tuyến đường chính của xã đã giúp bà con đi lại nhanh chóng, dễ dàng hơn rất nhiều. Cảnh ngập lụt, lầy lội vào mỗi mùa mưa hay mùa nước nổi giờ chỉ còn trong câu chuyện kể!” – bà Võ Thị Phỉ (ngụ xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn) phấn khởi nói.
Được xem là một trong những xã vùng sâu của huyện Thoại Sơn, Mỹ Phú Đông từng được biết đến là địa phương khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất, đời sống người dân khá thấp. Tuy nhiên, bằng quyết tâm chính trị cao, cùng sự đồng tình ủng hộ của nhân dân để triển khai xây dựng NTM, Mỹ Phú Đông được UBND tỉnh An Giang công nhận “Xã đạt chuẩn NTM” năm 2018 và được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang công nhận xã Mỹ Phú Đông đạt chuẩn “Xã NTM nâng cao” năm 2021.
Về Mỹ Phú Đông hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới, sự chuyển mình với những cánh đồng xanh ngát, con đường trải nhựa rộng rãi, bằng phẳng… Tất cả đã minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ ở nơi đây. Xã có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, diện tích tự nhiên 3.090ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 2.839ha, chiếm hơn 92% diện tích tự nhiên với cây trồng chủ lực là lúa. Hiện, tổng diện tích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, rau màu 108ha.
Cụ thể, có 3 mô hình chuyển đổi cây ăn trái hiệu quả, lợi nhuận cao. Đó là mô hình trồng cam, quýt, bưởi ứng dụng hệ thống phun tưới tự động của ông Lâm Văn Danh (diện tích 2ha), doanh thu 800 triệu đồng/năm; mô hình trồng chanh bông tím ứng dụng công nghệ cao của ông Phan Thanh Hồng (0,3ha), doanh thu khoảng 120 triệu đồng/năm hay mô hình trồng thanh nhãn theo hướng VietGap của ông Lê Hữu Thống (2ha), doanh thu 120 triệu đồng/năm. Hiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của xã đạt trên 61 triệu đồng/người/năm.
“Xác định việc đạt chuẩn NTM đã khó, việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng thành công xã NTM nâng cao càng khó hơn. Do vậy, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã đã đánh giá những kết quả đạt được, phân tích, làm rõ những hạn chế, đề ra giải pháp để giữ vững và nâng chất các tiêu chí. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân xác định được tầm quan trọng việc duy trì các tiêu chí xây dựng NTM bền vững…”- Chủ tịch UBND xã Mỹ Phú Đông Võ Hoàng Tâm cho biết.
Khi “ý Đảng, lòng dân”… là một
Theo Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Thị Minh Kiều, với phương châm xây dựng NTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, huyện Thoại Sơn luôn không ngừng phấn đấu để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn, để xứng đáng với danh hiệu “Huyện NTM” được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Bởi, xây dựng NTM là một chủ trương lớn đưa nông thôn phát triển cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh gắn với bảo vệ môi trường, thể hiện “ý Đảng, lòng dân”. Hiện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thoại Sơn đã và đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị: Duy trì 14/ 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo Quyết định 1005/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang và quyết tâm thực hiện bộ tiêu chí mới theo Quyết định 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xã NTM, xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, gồm 19 tiêu chí và 75 chỉ tiêu. Trong đó, 2 xã Định Thành và Vĩnh Trạch tập trung xây dựng xã NTM kiểu mẫu đến năm 2023. Đặc biệt, xã Thoại Giang đang nỗ lực làm tốt công tác đào tạo cán bộ quản lý, điều hành và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyển đổi số để xây dựng trở thành xã NTM thông minh trong năm 2023.
Xác định người dân là chủ thể và là người thụ hưởng kết quả từ chương trình xây dựng NTM. Do đó, để thực hiện đạt kết quả cao, thì người dân phải thông suốt và đồng tình hưởng ứng một cách tích cực. Vì vậy, Đảng ủy, UBND các xã ở Thoại Sơn đã tập trung tổ chức các cuộc họp dân rộng khắp ở địa bàn các ấp để tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia xây dựng NTM nâng cao, với phương châm “tích cực, kiên trì”, tạo điều kiện cho “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”.
Cùng với đó, hệ thống MTTQ từ huyện đến xã đã chủ động thực hiện công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tham gia giám sát việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, duy trì NTM và xây dựng NTM nâng cao. Kết quả, đã huy động các nguồn lực để cất mới, sửa chữa 28 căn nhà, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ 694 triệu đồng.
Khi “ý Đảng” đã thông, “lòng dân” đã tỏ thì mọi việc dù lớn hay nhỏ cũng đều có cách giải quyết và thuận lợi vượt qua. Đó cũng là cơ sở để biến những nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Theo UBMTTQVN huyện Thoại Sơn, tính đến ngày 31/5/2022, toàn huyện đã vận động Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội (tiền mặt và hiện vật) hơn 14,8 tỷ đồng. Qua đó, đã chi hơn 13,1 tỷ đồng để xây dựng mới 50 căn nhà và sửa chữa 30 căn nhà Đại đoàn kết, thăm hỏi, tặng 24.614 phần quà Tết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn và trợ giúp khó khăn đột xuất…
Ngoài ra, UBMTTQVN huyện đã vận động Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch và mua các thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch COVID-19. Phối hợp UBND huyện và Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội cấp phát hơn 97 tấn gạo do nhà hảo tâm hỗ trợ 1.603 hộ nghèo và 2.280 hộ cận nghèo (trị giá hơn 1 tỷ đồng).
Nhờ huy động trí tuệ, mồ hôi, công sức và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân huyện nhà nhằm tìm ra hướng đi đúng, Thoại Sơn đã vượt qua những thách thức, khó khăn để không ngừng phát triển, mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Kỳ 3: Dân vận khéo “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt
PHƯƠNG LAN