Thoại Sơn sau 1 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ

05/04/2023 - 07:34

 - Qua 1 năm cung cấp dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân theo Đề án 06 về ứng dụng dữ liệu dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang), đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Khen thưởng cá nhân và tập thể có thành tích trong thực hiện Đề án 06

Năm 2022, huyện đã triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung của Đề án 06 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổng số hồ sơ thu nhận đến nay là 156.369 hồ sơ/188.111 nhân khẩu trong độ tuổi cấp căn cước công dân (CCCD).

Đến ngày 14/3, huyện Thoại Sơn đã có 108.858 người được đồng bộ, tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên tổng số 134.793 thẻ BHYT đã cấp, đạt 80,76%. Huyện có 18/18 (100%) cơ sở khám, chữa bệnh BHYT triển khai sử dụng CCCD gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT, với tổng số 30.980 lượt sử dụng, trong đó tra cứu thành công 21.070 lượt, đạt 68,01%.

Việc liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi từ dữ liệu đăng ký khai sinh được đảm bảo kịp thời, chính xác. Từ ngày 1/1/2022 đến 14/3/2023, đã thực hiện liên thông và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi với số lượng 3.447 thẻ.

Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm thực hiện; các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (DN); công tác làm sạch dữ liệu dân cư được đảm bảo.

Công tác tuyên truyền đã được các cơ quan, ban, ngành cấp huyện và UBND các xã, thị trấn triển khai, quán triệt trong toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, Công an huyện đã ban hành Kế hoạch 419/KH-CAH, ngày 19/2/2022 về triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký cư trú, cấp CCCD.

Trong đó đã chỉ đạo công an các xã, thị trấn tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo các ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền để người dân hiểu, nhận thức đầy đủ về lợi ích, hiệu quả của việc thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp CCCD thông qua dịch vụ công trực tuyến, lồng ghép trong các diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, qua hệ thống loa truyền thanh tại xã, thị trấn. Qua đó, đã lồng ghép tổ chức tuyên truyền được 89 cuộc, có 1.987 lượt người tham dự; tuyên truyền thông qua loa phát thanh 2 lượt/ngày (3 ngày/tuần).

Việc triển khai Đề án 06 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, người dân trong thực hiện các giao dịch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý con người, phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên địa bàn.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện Đề án 06. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện đề án còn một số đơn vị, địa phương chưa sâu sát. Cùng với đó, tâm lý nhiều người còn e ngại khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Vì vậy, công tác tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh để người dân nắm được những tiện ích khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến thay thế dịch vụ công trực tiếp; hạn chế việc đi lại, phải chờ đợi của công dân, giảm các thủ tục hành chính (TTHC) khi giao dịch so với trước đây.

Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm đề nghị, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc Đề án 06 tại đơn vị, địa phương; tập trung đẩy mạnh việc thực hiện trong năm 2023, nhằm tạo tiền đề thực hiện trong năm 2024 và những năm tiếp theo để TTHC được áp dụng bằng hình thức trực tuyến đạt 100%. Đồng thời, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi giải quyết các TTHC, giao dịch dân sự, nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tập trung chỉ đạo, nâng cao tỷ lệ, số lượng người dân, DN đăng ký, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến thuộc cơ quan, ban, ngành huyện, UBND cấp xã phụ trách, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức phải xung kích, đi đầu trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai thuộc Đề án 06; đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng của Bộ Công an (VNeID) trên thiết bị di động thông minh hoặc đến cơ quan công an để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2.

Công an huyện tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư; bảo đảm 100% các nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở cho thuê lưu trú trên địa bàn huyện phải thực hiện thông báo lưu trú trực tuyến. UBND cấp xã chỉ đạo, rà soát, bố trí đầy đủ máy tính, mạng Internet, địa điểm để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các TTHC qua dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm 100% các thị trấn và 80% các xã được bố trí địa điểm giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

PHƯƠNG LAN