Thời gian gần đây, ông N.Đ.T (63 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) được bác sĩ chẩn đoán tiền đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Bác sĩ tư vấn ông T. nên tập thể dục thể thao 1 giờ mỗi ngày. Sáng sớm, ông và nhiều người trong xóm hẹn nhau lập hội chạy bộ từ 4h30 với suy nghĩ vận động buổi sáng tốt cho sức khỏe.
Tuần trước, ông T. đang chạy thì đột nhiên hoa mắt, chóng mặt và ngã quỵ. Những người đi cùng đã đưa ông vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu. Tại đây, bác sĩ cho biết ông không nên tập thể dục vào sáng sớm.
Chị N.T.N. (37 tuổi, trú tại Văn Quán, Hà Đông) muốn giảm béo. Qua nhiều clip trên mạng xã hội, chị N. thấy tập thể dục buổi sáng giảm cân nhanh nhất. Chị đã đăng ký một lớp tập thể dục online từ 5h sáng. Hằng ngày, chị đặt báo thức, dậy sớm đi giày, trải thảm tập.
Sau hai tháng, chị N. giảm được 2kg. Tuy nhiên, gần đây chị thấy mệt mỏi. Khi khởi động xong, chị cảm giác chân tay bủn rủn, hoa mắt. Chị đã không kiên trì theo đuổi được việc luyện tập theo mục tiêu đặt ra.
Buổi sáng, bạn có thể kiệt sức khi tập thể dục do thiếu năng lượng. Ảnh minh họa: iStock
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, không có thống kê nào khẳng định thời điểm tốt nhất để tập thể dục với tất cả mọi người. Trong trường hợp chị N., bác sĩ cho rằng chị bị rơi vào tình trạng kiệt sức có thể do nguồn năng lượng cơ thể thấp.
Tập thể dục buổi sáng được nhiều người lựa chọn, đa phần là người già, đã về hưu. Bạn tập thể dục quá sớm đôi khi ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt, đi bộ, chạy ngoài trời khi cây xanh chưa quang hợp, lượng CO2 trong không khí nhiều còn ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ngoài ra, vào sáng sớm, các hormone trong cơ thể có thể kích thích tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều người tập thể dục buổi sáng bị đột quỵ. Cử động của các khớp và cơ khi mới ngủ dậy còn khá cứng nên dễ bị thương khi vận động. Tập thể dục không đúng thời điểm tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường đối với sức khỏe, nhất là người trên 50 tuổi và thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ cao.
Bác sĩ Hưng cho rằng, tập thể dục là kiên trì, lâu dài vì vậy bạn cần chọn thời gian phù hợp. Nếu bạn là người nhàn rỗi nên tập thể dục lúc 6 đến 7h và ăn nhẹ trước khi tập. Bạn là dân văn phòng, tập thể dục buổi trưa, chiều thậm chí tối sau 20 - 21h.
Có người dễ dàng thức dậy vào sáng sớm, cũng có người có nhiều thời gian buổi tối, vì vậy bạn nên chọn thời gian phù hợp. "Thời điểm tập thể dục lý tưởng nhất với mỗi người chính là phù hợp với công việc, thời gian biểu", bác sĩ Hưng khẳng định.
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, tập thể dục cần kiên trì, lâu dài mới có hiệu quả. Tốt nhất, bạn cần đặt mục tiêu “phải tập” và khi tập đảm bảo đủ 30 phút/lần, đổ mồ hôi. Trong thời gian tập, bạn bổ sung nước để tránh mất nước.
Trước khi tập 1-2 tiếng, bạn nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt (với sữa ít béo hoặc sữa tách béo), bánh mì nướng lúa mì nguyên chất, sữa chua ít béo hoặc không béo, mì ống ngũ cốc, gạo lứt, trái cây và rau quả. Không nên tập luyện quá sức tránh cơ thể bị viêm.
Nếu tập thể dục giảm cân, bác sĩ Sơn khuyến cáo tốt nhất người tập cần lưu ý để năng lượng nạp vào phải ít hơn năng lượng tiêu hao.
Những người có bệnh nền, khi tham gia môn thể thao nào cần tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để tránh biến cố khi tập luyện.
Theo Vietnamnet