Thông qua quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

01/12/2022 - 06:52

 - An Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; phát triển hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và một số ngành công nghiệp chế tác. Là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển giống nông nghiệp, giống thủy sản và dược liệu; trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng và là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Vương quốc Campuchia và khu vực ASEAN…

Định hướng phát triển

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Phạm Minh Tâm, quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh lựa chọn kịch bản phát triển với định hướng phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu tại tỉnh.

Đồng thời, phát triển các nền tảng công nghiệp chế tác phù hợp với nguồn lực con người, nhất là tranh thủ thời cơ dân số vàng, để đưa tỉnh nhanh chóng thoát khỏi thực trạng kinh tế - xã hội (KTXH) chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nông thôn, năng suất thấp. Không gian KTXH được bố trí hợp lý, kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối hiệu quả với các địa phương trong vùng...

Ngày 25/11, tại trụ sở Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh An Giang, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “An Giang kỳ vọng đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; phát triển vững chắc hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và một số ngành công nghiệp chế tác, là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển giống nông nghiệp, giống thủy sản và dược liệu, là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Vương quốc Campuchia.

Để đạt được mục tiêu, An Giang phải xây dựng quy hoạch chất lượng tốt, phản ánh đúng bối cảnh, thực trạng, nhận định chính xác thuận lợi và khó khăn; đề ra chiến lược, giải pháp thực chất, khả thi và nhất là phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ĐBSCL và Nghị quyết 13-NQ/TW”.

Từ khi Luật Quy hoạch ra đời và có hiệu lực, An Giang luôn quán triệt quan điểm xây dựng Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là nền tảng, cơ sở pháp lý định hướng phát triển KTXH của tỉnh trong 30 năm tới. Ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, An Giang nằm ở vị trí đầu nguồn Mekong, có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, nguồn nước ngọt, dân số đông nhất vùng…

Tỉnh có cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông rất thuận lợi hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, đặc biệt là vận tải thủy đến cảng Phnom Penh qua Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (TX. Tân Châu).

Nhờ những lợi thế đó, An Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển KTXH, đời sống người dân cải thiện, thu nhập bình quân ngày càng tăng. Với tinh thần trách nhiệm và tập trung cao độ, trong quá trình xây dựng quy hoạch, tỉnh đã nghiêm túc thực hiện theo quy định, trình tự.

Một góc TP. Long Xuyên

Tháo điểm nghẽn, tạo đột phá

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, địa phương vẫn còn 6 điểm nghẽn cản trở phát triển nhanh và bền vững: Việc đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm và chưa rõ nét, năng suất lao động còn thấp. Tăng trưởng ngành nông nghiệp có xu hướng chậm lại, các ngành hàng nông-thủy sản chủ lực đối diện nhiều nguy cơ, thách thức.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển, chưa tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; không gian sản xuất công nghiệp còn hạn chế; chưa hình thành các cụm liên kết công nghiệp ở một số sản phẩm thế mạnh của tỉnh; thiếu nền tảng để phát triển bền vững khu vực công nghiệp.

Chưa phát huy được các tiềm năng, lợi thế của các khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên để trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kết nối liên vùng yếu kém và thiếu đồng bộ. Hợp tác địa phương và liên kết vùng chưa hiệu quả trên các lĩnh vực lớn, như: Kết nối hạ tầng, quản lý tài nguyên, nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu; chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế từng địa phương.

Nhận thức được những tồn tại đó, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp khắc phục, trong đó giải pháp đầu tiên là lập Quy hoạch định hướng phát triển trong 10 năm, tầm nhìn 30 năm tới. Theo quy hoạch đến năm 2050, tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so cả nước; chất lượng cuộc sống người dân đạt mức cao; là điểm đến hấp dẫn du khách, nhà đầu tư; kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ, hiện đại, là thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của cả nước; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ vùng với thị trường Campuchia và khu vực ASEAN.

Thông qua quy hoạch

Sau khi nghe ý kiến của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định và ý kiến của các chuyên gia phản biện, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá cao sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của tỉnh trong công tác lập quy hoạch. Đồng thời, kết luận: Hồ sơ Quy hoạch tỉnh An Giang đảm bảo đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu đã xác định trong nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh.

Hội đồng thẩm định quy hoạch đã bỏ phiếu, với 22/22 phiếu đồng ý thông qua dự thảo báo cáo quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch. Tuy nhiên, đề nghị tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh theo góp ý của thành viên hội đồng, gửi hồ sơ quy hoạch hoàn chỉnh về Bộ KH&ĐT xem xét, có báo cáo thẩm định, làm cơ sở để An Giang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  

HẠNH CHÂU