Thông tàu qua hầm Chí Thạnh sau 10 ngày gián đoạn

31/05/2024 - 14:16

Vào lúc 12 giờ 25 phút trưa 31/5, ngành Đường sắt Việt Nam đã thông hầm kỹ thuật, thử tải bằng tàu hàng qua hầm Chí Thạnh an toàn.

Cụ thể, tàu hàng ASY22, kéo 23 toa, tải trọng 939 tấn đã thông qua hầm Chí Thạnh an toàn. Như vậy, sau 10 ngày bị gián đoạn do sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh (huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên), từ trưa 31/5, tất cả các đoàn tàu có thể thông qua hầm Chí Thạnh với tốc độ 5 km/giờ.

Dự kiến, tàu SE9 là chuyến tàu khách đầu tiên thông qua hầm vào khoảng 14 giờ 30 phút chiều nay, với khoảng 200 hành khách.

Chú thích ảnh

Các đơn vị thi công khắc phục sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh.

Trước đó, vào lúc 9 giờ 50 phút ngày 21/5, trong quá trình thi công gia cố hầm Chí Thạnh (Km 1.168+700 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh) đã xảy ra sự cố sạt lở trong hầm, cách cửa hầm phía Bắc khoảng 160 m.

Sự cố khiến đất, đá lấp kín bề ngang hầm, buộc phải phong tỏa đoạn đường sắt giữa hai ga La Hai (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) và ga Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Sau khi xảy ra sự cố, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chỉ đạo Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, Phân ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 3 và Công ty CP đường sắt Phú Khánh điều động nhân lực, thiết bị hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu thi công giải quyết sự cố.

Sự cố khiến giao thông đường sắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề. Để duy trì hoạt động vận tải, giảm thiểu tối đa thiệt hại và ảnh hưởng đến hành khách, trong 10 ngày xảy ra sự cố (từ 21 - 31/5/2024), VNR đã thực hiện chuyển tải an toàn 36.235 hành khách, trên 129 chuyến tàu bằng ô tô giữa 2 ga La Hai (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) và ga Tuy Hòa (TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên).

Trong thời gian chờ chuyển tải, hành khách được phục vụ suất ăn, nước uống miễn phí. Công tác khắc phục sự cố được ngành Đường sắt thông báo và cập nhật thường xuyên tới hành khách, chủ hàng; việc tổ chức phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga chu đáo. Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng sự cố ảnh hưởng đến lịch trình, hàng nghìn hành khách đã trả lại vé.

Về hàng hóa, do ảnh hưởng của sự cố, hàng trăm đoàn tàu hàng đã phải dừng dọc đường hoặc chờ kế hoạch tại các ga xuất phát. Mặc dù, ngành Đường sắt đã phải thực hiện việc chuyển tải bằng đường bộ một số đoàn tàu để đảm bảo tiến độ, song do thời gian khắc phục sự cố kéo dài, nhiều chủ hàng vận chuyển hàng đông lạnh, hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng… đã hủy đơn hàng vận chuyển bằng đường sắt, gây thiệt hại lớn về trước mắt và lâu dài.

Sự cố này khiến việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của ngành Đường sắt gặp nhiều khó khăn, do trước đó, ngành cũng chịu thiệt hại nặng nề từ sự cố sạt lở hầm Bãi Gió.

Theo TTXVN