Thu hút FDI tăng cả lượng lẫn chất trong quý I/2024

04/04/2024 - 14:30

Triển vọng tăng trưởng kinh tế được đánh giá cao, còn lạm phát thì không quá đáng lo ngại. Có lẽ đó cũng là một phần lý do khiến niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục được củng cố, minh chứng qua con số 6,17 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới trong quý I/2024, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chú thích ảnh

Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng 13,4% trong quý I/2024. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Dòng vốn FDI có xu hướng tích cực

Tiếp tục xu hướng tăng dần qua từng tháng, vốn FDI vào Việt Nam vẫn khá tích cực. Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố: Quý I/2024, đã có hơn 6,17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong số này, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vốn tăng thêm đạt 934,6 triệu USD, giảm 22,6%; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 466 triệu USD, giảm 61,7% so với cùng kỳ.

Như vậy, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần giảm, thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn duy trì mức tăng so với cùng kỳ và tăng khá cao. Tương tự, vốn giải ngân đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, là trong quý đầu năm, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực năng lượng, bao gồm: Sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, các dự án sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn.

Có thể kể hàng loạt dự án trong các lĩnh vực này được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong 3 tháng đầu năm 2024 như: Dự án 120 triệu USD của Boviet Hải Dương, chuyên sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời; dự án 454 triệu USD của Trina Solar Cell tại Thái Nguyên; hay dự án 275 triệu USD của Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh…

Đồng Nai, là một trong những địa phương lọt vào Top 10 có thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước trong quý 1/2024. Theo đó, nguồn vốn đầu tư FDI vào Đồng Nai chủ yếu tập trung các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp được cấp phép mới.

Đối với các dự án mở rộng quy mô sản xuất, có một số dự án điển hình như: Công ty SMC Manufacturing đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất với số vốn khoảng 570 tỷ đồng; Công ty TKG Taekwang Vina đầu tư mở rộng nhà xưởng với số vốn 106 tỷ đồng; Công ty Formosa Taffeta đầu tư xây dựng nhà xưởng số vốn 163 tỷ đồng; Công ty Pou Chen thực hiện 112 tỷ đồng…

Là doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam được gần 30 năm, Công ty Nestlé Việt Nam cũng vừa công bố đầu tư thêm 100 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao của nhà máy được đặt tại tỉnh Đồng Nai.

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết: Đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư gần 830 triệu USD với 4 nhà máy tại Việt Nam. Thông qua dự án này, doanh nghiệp cũng mong muốn có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Với kết quả thu hút FDI quý I/2024, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng nhận định: Thu hút FDI chính là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế quý I/2024, tạo khởi đầu thuận lợi cho năm 2024.

Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài vẫn cho rằng, môi trường đầu tư Việt Nam bên cạnh những ưu điểm như chính trị ổn định, chất lượng nguồn lao động đang dần được cải thiện, vẫn bộc lộ không ít những tồn tại cần được tiếp tục cải thiện trong thời gian tới, những tồn tại này thể hiện qua thủ tục hành chính rườm rà; chính sách thu hút đầu tư hay thay đổi và chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện.

Cải thiện môi trường đầu tư

Để có thể thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, có 4 giải pháp cần thực hiện đó là, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thiện thể chế, luật pháp. Đi kèm với đó, là thực thi thể chế, chính sách, gắn liền với phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, hiện nay, Việt Nam cũng đang tập trung vào các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực, nhiều tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt là các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ, điện tử, bán dẫn đã và đang nghiên cứu, thành lập cứ điểm sản xuất tại Việt Nam.

Mới đây, tại Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho biết: Sản xuất điện tử, chip bán dẫn, sản xuất thông minh là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, cạnh tranh thu hút đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt, nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới. Việt Nam cũng đang nỗ lực để tận dụng cơ hội này.

“Bên cạnh nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư; trong đó, dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay.

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết: Để tiếp tục tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án công nghệ cao, công nghiệp điện tử bán dẫn, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao, thành phố Hà Nội xác định mục tiêu trong giai đoạn đến năm 2025 có 2 đến 5 khu công nghiệp mới được thành lập, tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư.

“Thành phố sẽ ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc; trong đó, ưu tiên tiếp nhận các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Ông Ranjit Thambyrajah, Chủ tịch Acuity Funding nhìn nhận, khi sản xuất tại Việt Nam trở nên tinh vi hơn, nhu cầu về lực lượng lao động lành nghề sẽ tăng lên. Để chuẩn bị cho nhu cầu này, Việt Nam sẽ cần đầu tư hơn nữa vào giáo dục và đào tạo để cung cấp cho các ngành công nghiệp lực lượng lao động có năng lực. Đồng thời, xây dựng các khu công nghiệp tích hợp đầy đủ và trung hòa năng lượng phù hợp với tương lai của sản xuất. Sự gia tăng dự kiến trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ làm tăng nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và hậu cần.

“Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là rất đúng đắn, kịp thời để chúng ta có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành điện tử, bán dẫn toàn cầu”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Theo TTXVN