Thử nghiệm tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân

16/12/2019 - 18:35

Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân có tên Arktika của Nga đã trở về thành phố St. Petersburg sau khi hoàn tất quá trình chạy thử trong 2 ngày.

Tàu phá băng Arktika

Tàu Arktika được chế tạo để vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng, có chiều dài 173 m và cao 15 m với trọng lượng rẽ nước 33.500 tấn. Con tàu phá băng đồ sộ này được chế tạo bởi Cơ quan Nguyên tử Nga Rosatom ở xưởng đóng tàu Baltic tại St. Petersburg. 

Ông Mustafa Kashka, Giám đốc Atomflot - công ty điều hành hạm đội phá băng của Nga - cho biết cuộc thử nghiệm này nhằm kiểm tra khả năng vận hành và tính linh hoạt của con tàu.

Đợt thử nghiệm cuối cùng của tàu Arktika dự kiến diễn ra vào tháng 3 và tháng 4 năm tới. Theo kế hoạch, Arktika sẽ đi vào hoạt động vào tháng 5/2020.

Theo nhà sản xuất, tàu Arktika có thể phá được lớp băng dày 2,8 m. Tàu Arktika ra mắt vào năm 2016 và là một phần trong hạm đội tàu phá băng mới có tên Project 22220 của Nga được thành lập với mục tiêu thúc đẩy lưu thông vận tải tại khu vực biển Bắc Cực của Nga, vốn là nơi kết nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Kế hoạch cũng tạo điều kiện cho Nga vận chuyển hydrocarbon tới Đông Nam Á.

Dòng tàu phá băng Project 22220 có công suất 60 megawatt. Với chiều dài hơn 173 m và trọng lượng rẽ nước 33.500 tấn, Project 22220 sẽ đứng đầu phân khúc về sức mạnh và kích thước. Các tàu phá băng lớn nhất đang được sử dụng ở Nga có công suất 54 megawatt và dài không quá 160 m.

Khi tàu Arktika hoàn thành chuyến đi biển đầu tiên, Nga cũng đã sẵn sàng cho chiếc tàu phá băng chạy năng lượng hạt nhân khác là Ural thực hiện chuyến thử nghiệm đầu tiên. Ural được hạ thủy hồi đầu năm 2019. Điểm làm nên sự đặc biệt của Ural chính là khả năng phá được lớp băng dày tới 3 m. Hiện Ural đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm trước khi chính thức được bàn giao cho Rosatom vào năm 2022.

Theo Chính Phủ