Thủ tướng: Không có tư tưởng cầm chừng, chờ đợi trong lúc giao thời

04/03/2021 - 18:42

Các thành viên Chính phủ tập trung giải quyết công việc tồn đọng, phấn đấu không nợ các văn bản hướng dẫn trước khi bàn giao nhiệm vụ để bước sang Chính phủ khóa mới tốt nhất và bảo đảm tính liên tục.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 ngày 2-3-2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

“Tại nhiệm kỳ này, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời” - khẳng định trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 cũng là lời nhắc nhở mỗi thành viên Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, dù ở cương vị mới hay nghỉ chế độ công tác, nhưng tinh thần trước Đảng, trước dân, “phải làm đến phút cuối cùng,” “nêu quyết tâm vì nhân dân mà làm việc.”

Điều này cho thấy, quyết tâm của Chính phủ đương nhiệm sẽ làm tròn vai, hết trách nhiệm, cho đến phút cuối cùng của nhiệm kỳ.

Từ lời nói đến hành động

5 năm qua, các thành viên Chính phủ đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết, cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Nhìn lại các chỉ tiêu vĩ mô trong hai tháng đầu năm 2021, và rộng ra là 5 năm nhiệm kỳ Chính phủ, có thể thấy sự nỗ lực, cố gắng của từng thành viên Chính phủ, cống hiến hết mình với tinh thần trách nhiệm rất cao trên tất cả các lĩnh vực.

Dù ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ, chuẩn bị chuyển giao nhiệm vụ cho Chính phủ khóa mới, nhưng “cỗ xe” Chính phủ khóa XIV vẫn bon bon chạy, không dừng, không nghỉ, không giảm tốc.

Những minh chứng được thể hiện rõ nét khi ngày đầu tiên của năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, 02 với hàng loạt giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới.

Trong bộn bề của những ngày cuối năm Canh Tý, khi Tết nguyên đán cận kề, dịch COVID-19 tái bùng phát, lây lan trong nước, đúng vào thời điểm diễn ra Đại hội XIII của Đảng, một mặt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội, mặt khác, bắt tay ngay vào thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch lây lan.

Ngay tại Trung tâm Đại hội, sau khi nhận được thông tin về ca mắc COVID-19 xuất hiện tại Hải Dương, Quảng Ninh, người đứng đầu Chính phủ đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương liên quan. Thần tốc và quyết liệt, những chỉ đạo được phát đi từ cuộc họp đặc biệt bên lề Đại hội Đảng khiến người dân vững tin hơn vào sự điều hành của Chính phủ, rằng dịch sẽ sớm được kiểm soát.

Mùng 2 Tết (13/2), khi tiết Xuân vẫn còn chìm đắm, nhà nhà, người người còn sum họp đầm ấm, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo, đã họp trực tuyến để triển khai các biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch COVID-19.

Tiếp đến, mùng 4 Tết, Thường trực Chính phủ họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo và 26 địa phương. Các lực lượng phòng, chống dịch đã làm việc xuyên Tết, không nghỉ.

Kỳ nghỉ Tết nguyên đán vừa kết thúc, trong ngày làm việc đầu tiên (17/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ và dự cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Văn phòng Chính phủ. Tinh thần không để tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả" hay "tháng Giêng là tháng ăn chơi"... đã được thể hiện bằng những hành động cụ thể: ra quân làm việc đầu năm, hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ với mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh trong 5 năm, vừa quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa triển khai giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép…

Người đứng đầu Chính phủ hối thúc các cấp, các ngành, địa phương phải có quyết tâm lớn, biện pháp cụ thể, đôn đốc quyết liệt để công việc triển khai tốt đẹp ngay từ đầu năm.

Ngày 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hai cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng về quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội và dự thảo Nghị định về quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; đánh giá, cho ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.

Tại cuộc họp mới đây với các bộ, cơ quan, nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là hạn chế tối đa nhiệm vụ quá hạn của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan tập trung xử lý dứt điểm, ban hành các văn bản còn nợ trước ngày 20-3-2021, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết trước khi diễn ra kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, không làm ảnh hưởng đến kết quả, sự cố gắng, nỗ lực của cả nhiệm kỳ Chính phủ.

Làm hết việc chứ không làm hết giờ

Chỉ đạo kịp thời, điều hành linh hoạt, hành động quyết liệt là từ khóa đem đến những thành công trong hai tháng đầu năm 2021. Mặc dù có kỳ nghỉ Tết kéo dài và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tới các hoạt động kinh tế, nhưng tình hình kinh tế-xã hội vẫn có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 ngày 2-3-2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt mức tăng trưởng cao, tổng kim ngạch ước đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Bên cạnh sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, thì sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng có những diễn biến tương đối thuận lợi.

Công tác trồng rừng và triển khai “Tết trồng cây” đầu Xuân được tổ chức thiết thực tại nhiều địa phương. Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn người, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.

Điều đáng mừng là từ chỗ có vài chục ca lây nhiễm trong nước mỗi ngày ở thời điểm tái bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ ba vào cuối tháng 1, đầu tháng 2/2021, đến 18 giờ ngày 3/3, số ca mắc mới trong nước chỉ còn 5 ca.

Sáng 4/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. 10 tỉnh, thành phố đã qua 18 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng (Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh).

Đúng 0 giờ ngày 3-3-2021, toàn tỉnh Hải Dương đã kết thúc thời gian cách ly, chuyển sang trạng thái mới; thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) được dỡ bỏ tình trạng phong tỏa.

Lô vắcxin của Công ty AstraZeneca đã được nhập về chuẩn bị cho việc tiêm ngừa COVID-19 và vắcxin sản xuất trong nước cũng đã ở vào giai đoạn 2 tiêm thử nghiệm, khi kết quả thử nghiệm ở giai đoạn 1 là rất khả quan.

Trong lần trả lời phỏng vấn TTXVN đầu năm 2021, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định “ở Văn phòng Chính phủ, khi việc chưa xong chưa được về, không có định nghĩa ngày làm việc 8 tiếng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách, đổi mới để đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và mong muốn của người dân” - như một lời cam kết trước mục tiêu của Chính phủ “dứt khoát không bàn giao văn bản nợ đọng cho Chính phủ nhiệm kỳ mới.”

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 (ngày 3/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ đương nhiệm sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thực hiện chuyển giao nhiệm vụ cho Chính phủ khóa mới theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước với tinh thần bảo đảm tính kế thừa, phát huy công khai, minh bạch cả về việc chuyển giao nhiệm vụ, công việc và công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự.

Các thành viên Chính phủ tập trung xử lý, giải quyết các công việc tồn đọng trong phạm vi trách nhiệm; phấn đấu không để nợ các văn bản hướng dẫn trước khi bàn giao nhiệm vụ, để bước sang Chính phủ khóa mới được tốt nhất và bảo đảm tính liên tục. Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sẵn sàng cùng các thành viên Chính phủ giải quyết các vấn đề, sẵn sàng họp cả ban đêm để xử lý.

Người đứng đầu luôn giữ vai trò quan trọng, làm đầu kéo cho cả đoàn tàu về đích. Khi người đứng đầu nêu gương, quyết tâm, quyết liệt, không lý gì cán bộ, công chức, viên chức trì trệ, ỷ lại, nhiệm vụ không hoàn thành.

Là người đứng đầu ngành Nội vụ, có cái nhìn bao quát về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân chia sẻ, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW (về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ), chất lượng cán bộ, công chức, viên chức nâng lên rất rõ rệt.

Tuy biên chế giảm trên 10%, khối lượng công việc nhiều hơn, nhưng tình trạng nợ đọng văn bản giảm và chất lượng văn bản ngày càng tăng lên.

“Điều quan trọng là anh em thay đổi nhận thức, hết việc chứ không hết giờ, nên tất cả các cơ quan ban đêm vẫn sáng đèn tới 9-10 giờ đêm. 11 giờ đêm tôi vẫn chờ anh em mang văn bản đến ký. Đầu tiên tôi thấy tác dụng của Nghị quyết là thay đổi về ý thức, thái độ phục vụ, cách làm việc của công chức,” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.

Theo CHU THANH VÂN (TTXVN/Vietnam+)