Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Nam-Ki Hong đã đến dự và phát biểu tại diễn đàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
FKI là một trong 4 hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, với thành viên là đa số các tập đoàn lớn nhất nước này. Diễn đàn là sự kiện điểm nhấn về hợp tác kinh tế giữa hai nước trong các hoạt động nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trong đề dẫn khai mạc diễn đàn, ông Chang-soo Huh, Chủ tịch FKI, đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế ổn định, có tiềm năng tăng trưởng lớn trong tương lai. Đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc đã tăng 100 lần kể từ thời điểm hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện có hơn 5.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, tạo ra khoảng 1 triệu việc làm tại Việt Nam. Thời gian tới, FKI sẽ phối hợp với một số cơ sở giáo dục đại học lớn ở Việt Nam để đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thành công đến doanh nghiệp và sinh viên Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Nam-Ki Hong nhấn mạnh, diễn đàn lần này có ý nghĩa to lớn là sự kết nối từ thành công của Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp ASEAN - Hàn Quốc mới đây; đồng thời cũng là sự khẳng định cho thấy tầm quan trọng đặc biệt và sự chặt chẽ của mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc.
Diễn đàn cũng cho thấy những hiệu ứng tích cực từ nỗ lực hợp tác từ chính phủ đã lan tỏa sâu rộng trong hợp tác kinh tế tư nhân. Phó Thủ tướng Nam-Ki Hong cũng cho biết, những năm qua, đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh. Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và Việt Nam là quốc gia ASEAN mà Hàn Quốc đầu tư nhiều nhất, tăng 37% hằng năm.
Không chỉ trong lĩnh vực thương mại, kinh tế, quan hệ nhân dân hai nước cũng hết sức chặt chẽ và ngày càng đi vào chiều sâu trên cơ sở phát huy những nét tương đồng trong văn hóa, lịch sử hai nước.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Nam-Ki Hong đề nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc không bỏ lỡ thời cơ đầu tư bởi đây đang là thời điểm hợp tác hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Do đó, với các thế mạnh của mình, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như: xây dựng, phát triển hạ tầng, công nghệ cao, nâng cao hiệu quả hợp tác về sáng tạo, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phát huy tính sáng tạo, tiềm năng của doanh nghiệp tư nhân; hợp tác về phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, bảo hiểm… nỗ lực duy trì, thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước theo hướng hai bên cùng có lợi.
Phó Thủ tướng Nam-Ki Hong mong muốn chính phủ hai nước tăng cường hợp tác khắc phục khó khăn trong bối cảnh tình hình thế giới biến động mạnh mẽ, căng thẳng thương mại. Ông đồng thời hy vọng thông qua diễn đàn lần này, hai bên sẽ có thêm nhiều cơ hội đầu tư mới trong tương lai.
Đánh giá cao ý kiến của Phó Thủ tướng Nam-Ki Hong, phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nếu như thời điểm hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, kim ngạch thương mại hai chiều mới ở mức dưới 500 triệu USD, thì đến năm 2019, con số này đạt xấp xỉ 70 tỷ USD. Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam với gần 1.000 dự án đầu tư, là kỳ tích có được nhờ những nỗ lực trong suốt thời gian qua của các nhà lãnh đạo hai nước, kiên trì thúc đẩy, giải quyết các khó khăn, đẩy mạnh hợp tác toàn diện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức tại Lễ công bố kế hoạch khai thác loạt đường bay mới đến và đi Seoul từ Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang và Phú Quốc của Hãng hàng không Vietjet. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, trong năm 2019, có khoảng trên 5 triệu lượt khách Hàn Quốc thăm thân và sang Việt Nam. Ở Việt Nam, cũng có khoảng 140.000 người Hàn Quốc tới lao động, kinh doanh. Nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam có các khu phố Hàn Quốc. Cùng với đó, công dân Việt Nam, cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc khoảng trên 150.000 người.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai nước còn hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, văn hóa, thể thao, đào tạo nguồn nhân lực. Hiện có hàng chục nghìn người Việt giỏi tiếng Hàn, người Hàn giỏi tiếng Việt và đây là những nền tảng quan trọng thúc đẩy quan hệ lâu dài giữa hai nước. Thủ tướng cho rằng thành công này đến từ nhiều nét văn hóa tương đồng giữa hai nước và “chính sự tương đồng về văn hóa đó đã góp phần làm nên những trái ngọt, quả lành trong hợp tác đầu tư kinh tế thương mại giữa hai nước”.
Nhắc lại sự kiện từ năm 1226, Hoàng tử Lý Long Tường dưới triều Lý của nước Đại Việt cùng 60.000 gia thuộc đã đến Hàn Quốc sinh sống mở trường dạy văn, dạy võ, góp phần cùng Hàn Quốc chống quân xâm lược, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ lịch sử văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc được khơi nguồn từ 800 năm trước. Hơn thế nữa, người Việt Nam và người Hàn Quốc đều đón Tết vào mùa Xuân theo lịch Mặt trời với những nghi lễ hướng về gia tiên, cùng cúng Giao thừa với mâm cỗ truyền thống và những tục lệ ngày Tết. Người Việt và người Hàn đều coi trọng văn hóa gia đình và truyền thống lễ nghĩa; đều dùng đũa ăn cơm trong bát; văn hóa gia đình là văn hóa truyền thống.
Một cộng đồng người Hàn rất lớn đang sinh sống ở nhiều thành phố và tỉnh thành ở Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Những người Hàn Quốc đến Việt Nam luôn được đón tiếp nồng nhiệt như huấn luyện viên Park Hang-seo đang dẫn dắt đội bóng Việt Nam”. Thủ tướng khẳng định sự cần thiết đảm bảo những nét tương đồng đó trở thành những nét cộng hưởng trong quan hệ giữa chính phủ người dân hai nước. Việt Nam ủng hộ, tạo mọi điều kiện để Hàn Quốc triển khai thành công Chính sách Hướng Nam mới của Tổng thống Moon Jae-in, trong đó lấy Việt Nam làm trung tâm.
Thông tin đến các nhà đầu tư về môi trường vĩ mô của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mặc dù đối diện với bất ổn do căng thẳng thương mại thế giới nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức khá cao trên thế giới và khu vực. Các năm 2018 và 2019 đều đạt mức tăng trưởng 6,8%. Lạm phát thấp, ổn định mức 3,5%. Đồng tiền Việt Nam được xem là ổn định nhất trên thị trường ngoại hối toàn cầu. Năng lực cạnh tranh quốc gia được củng cố mạnh mẽ, làn sóng khởi nghiệp như đang bùng nổ, Việt Nam là một điểm đến rất hấp hẫn cho các nhà đầu tư.
Ngoài Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực 2015, Việt Nam còn tham gia nhiều FTA khác mà đặc biệt là Hiệp ước Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Tự do thương mại Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và sắp tới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Môi trường năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được nâng từ 77 lên 67 tăng 10 bậc vào năm 2019. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2019 tăng 3 bậc, đứng thứ nhất trong nhóm quốc gia thu nhập trung bình và thứ 3 trong ASEAN. Việt Nam là 1 trong 4 thị trường đầu tư tư nhân sôi động nhất ở Đông Nam Á, được đánh giá là 1 trong 8 nơi đầu tư tốt nhất trên thế giới.
Thành phần trung lưu ở Việt Nam tăng nhanh, là điều kiện thuận lợi của thị trường 100 triệu dân. Kinh tế số và thương mại điện tử tăng nhanh, dư địa còn lớn. Đặc biệt, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam sẽ đạt 69% vào đầu năm 2021. Hiện có 35,4 triệu người Việt Nam giao dịch thương mại điện tử. Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ người dân sử dụng Internet cao, là điều kiện thuận lợi cho kinh tế số phát triển. Việt Nam cũng đã ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển cuộc cách mạng công nghiệp lần 4. Với nền tảng đó, dự báo Việt Nam sẽ tạo ra sự bứt phá trong cuộc đua kinh tế số ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu và doanh nghiệp 2 nước nhận thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian tới, một số ngành nghề sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam như doanh nghiệp công nghệ, chế biến, công nghiệp phụ trợ; năng lượng điện khí, tái tạo; công nghệ tài chính với mục tiêu tới năm 2020, người dân Việt Nam sẽ không thanh toán tiền mặt.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi sự hợp tác giáo dục, y tế tiên tiến của Hàn Quốc vào Việt Nam, phấn đấu hình thành những trung tâm y tế hàng đầu ASEAN đặt tại Việt Nam. Cùng với đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng cần đầu tư vào các lĩnh vực phát triển dịch vụ hậu cần, logistics, đóng tàu bởi đây là những thế mạnh của Hàn Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại mong muốn đến năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc đạt mức 100 tỷ USD; đồng thời cũng bày tỏ mong muốn Hàn Quốc mở cửa hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào thị trường Hàn Quốc bởi hiện tại, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Hàn Quốc. Thủ tướng nêu rõ: "Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các đối tác nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, thành công ở Việt Nam”.
Trong khuôn khổ diễn đàn, đã có 33 bản ghi nhớ được trao với tổng giá trị gần 20 tỷ USD. Đây là nền tảng để đưa quy mô vốn đầu tư của Hàn Quốc sớm tiếp cận mốc 80 tỷ USD từ quy mô hơn 67 tỷ USD hiện nay.
Nhân dịp này, Hãng hàng không Vietjet đã công bố kế hoạch khai thác các đường bay mới đến và đi Seoul từ Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang và Phú Quốc.
Theo kế hoạch Vietjet vừa công bố, đường bay Seoul (Incheon) - Cần Thơ sẽ khai thác ba chuyến khứ hồi mỗi tuần, đường bay Seoul (Incheon) - Đà Lạt bay bốn chuyến khứ hồi mỗi tuần, bắt đầu từ tháng 1/2020 với thời gian bay trung bình mỗi chặng hơn 5 tiếng. Hai đường bay đang khai thác là Seoul (Incheon) - Nha Trang và Seoul (Incheon) - Phú Quốc cũng sẽ tăng tần suất để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.
Hãng hàng không Vietjet tiên phong hoạt động tại Hàn Quốc với 11 đường bay, 480 chuyến bay/tháng, là hãng hàng không khai thác lớn nhất giữa Việt Nam và Hàn Quốc, được lãnh đạo, chính phủ hai nước đánh giá cao trong vai trò kết nối và góp phần nâng tầm mối quan hệ hợp tác chiến lược khăng khít và phát triển toàn diện giữa hai quốc gia, hai dân tộc.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Nam-Ki Hong; Chủ tịch FKI Chang-soo Huh và chủ tịch một số tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc cùng tham dự diễn đàn như Shinhan Bank, SK Energy…
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Nam-Ki Hong nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm chính thức Hàn Quốc; bày tỏ vui mừng về kết quả cuộc hội đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Phó Thủ tướng Nam-Ki Hong cũng bày tỏ vui mừng và được đến dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước. Phó Thủ tướng tin tưởng, diễn đàn lần này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - ASEAN cũng như giữa Hàn Quốc với Việt Nam đang trên đà phát triển tích cực, Phó Thủ tướng Nam-Ki Hong cũng khẳng định, chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo dấu ấn đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm và dành sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trên tinh thần khách quan, minh bạch, chống tham nhũng.
Thủ tướng khẳng định, không chỉ lãnh đạo địa phương, các bộ trưởng, phó thủ tướng mà trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ lắng nghe và giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo QUANG VŨ (Báo Tin Tức)