Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn công tác đã kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ, đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những Anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, góp phần vào chiến công oanh liệt của quân và dân Cao - Bắc - Lạng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng to đẹp, đàng hoàng, giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng được hạnh phúc, ấm no.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương trước Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950. (Ảnh: THANH GIANG) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm quan các tài liệu, hiện vật trưng bày trong Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: THANH GIANG) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về các tư liệu, hiện vật trưng bày trong Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: THANH GIANG) |
Chiến dịch Biên giới diễn ra từ 16/9 đến 14/10/1950, là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược trong kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận quan sát và chỉ đạo chiến dịch, với hình ảnh lịch sử ghi lại thời điểm Người quan sát trận đánh Đông Khê mở màn chiến dịch. Cũng trong Chiến dịch này, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy mặt trận, Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi lưu bút tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: THANH GIANG) |
Chiến dịch Biên giới kết thúc với việc ta tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giải phóng vùng biên giới phía bắc nước ta, phá vỡ thế bao vây, khai thông liên lạc với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới, đồng thời đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật chiến dịch và sự trưởng thành lớn mạnh vượt bậc của quân đội ta, làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến tới giành quyền chủ động trên chiến trường chính, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.