Trong các văn kiện của Đảng từ trước đến nay, vấn đề dân tộc và tôn giáo luôn được quan tâm, xác định là cấp bách, quan trọng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định nguyên tắc trong quan hệ dân tộc ở Việt Nam, đó là “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Đảng ta khẳng định tôn giáo tồn tại lâu dài trong quá trình xây dựng CNXH, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân. Nhà nước đã công nhận hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ (chiếm khoảng 28% dân số cả nước), trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, 30.000 cơ sở thờ tự.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng với quan điểm mới: Ngoài phát huy giá trị tích cực, nhân văn của tôn giáo, cần tập trung nguồn lực của tôn giáo; chống lợi dụng tôn giáo để chia rẽ đoàn kết tôn giáo, cũng như phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH. Hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề dân tộc, tôn giáo, những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm, nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều chính sách để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Toàn tỉnh có trên 27.000 hộ dân tộc thiểu số (DTTS), trên 92.000 nhân khẩu, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. Đa số đồng bào DTTS sinh sống ở khu vực biên giới. Hiện nay, 100% xã biên giới đã có đường nhựa, bê-tông đến trung tâm xã, ấp; 100% xã biên giới có trạm y tế, công trình thủy lợi, 100% hộ gia đình có điện sinh hoạt; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình và sóng điện thoại; trên 92% hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; trường học, trạm y tế được đầu tư nâng cấp, xây mới đáp ứng nhu cầu học tập và khám, chữa bệnh của người dân... Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đời sống đồng bào DTTS tỉnh có bước tăng trưởng khá, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ngày càng giảm.
Cùng với đó, An Giang có 11 tôn giáo được công nhận, với 508 cơ sở thờ tự hợp pháp, trên 200 cơ sở tín ngưỡng dân gian, trên 1,5 triệu tín đồ và khoảng 5.800 chức sắc, chức việc. Tình hình hoạt động tôn giáo ổn định, sinh hoạt tôn giáo ngày càng nền nếp, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, hài hòa giữa việc đời - việc đạo. Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo tiếp tục thực hiện tốt, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, tín đồ theo pháp luật; phối hợp ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, tham gia phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…
Chứng kiến sự đổi thay trong vùng đồng bào DTTS, ông Mách Ta Rế (Giáo cả thánh đường Hồi giáo DTTS Chăm xã Vĩnh Trường, huyện An Phú) phấn khởi cho biết, Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Chăm phát triển, bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống, bảo đảm quyền lợi và cơ hội bình đẳng trong xã hội. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước làm tăng cường niềm tin, sự ủng hộ của cộng đồng DTTS Chăm nói riêng, các dân tộc anh em trong xây dựng và phát triển đất nước.
Trong quá trình đổi mới đất nước, chủ trương, chính sách về tôn giáo và dân tộc của Đảng và Nhà nước ngày càng nâng lên; tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động ổn định, phát triển theo quy định của pháp luật. Từ thực tiễn sinh động trên địa bàn tỉnh An Giang cũng như cả nước nói chung, có thể thấy rằng: Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo trắng trợn của thế lực thù địch chẳng những không phản ánh đúng sự thật về công tác dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam, mà còn hạ thấp uy tín tổ chức tôn giáo, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ giữa các tôn giáo, xuyên tạc về chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhất quán của Việt Nam.
Âm mưu sâu xa, mục đích chính trị đen tối của các thế lực thù địch nhằm gây bất ổn về chính trị, văn hóa, xã hội ở nước ta. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo, công tác dân tộc và tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta cho Nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phù hợp tình hình thực tế nước ta và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nhất là, cần nâng cao nhận thức của Nhân dân về công tác chăm lo của Đảng, Nhà nước; về các giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo, dân tộc - một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam, là bệ đỡ tinh thần giúp đồng bào các dân tộc và tôn giáo phát triển, để tăng sức “đề kháng” cho xã hội trước thông tin xấu độc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Qua đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
H.N