Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và đoàn Việt Nam tại sự kiện.Ảnh T.L
Trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam. Phiên họp của Hội đồng Nhân quyền do Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Heidi Schroderus-Fox chủ trì. Đoàn Việt Nam do thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt làm trưởng đoàn, cùng với sự tham gia của đại sứ, trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ và đại diện một số bộ, ngành liên quan. Phiên họp thu hút sự quan tâm, đăng ký tham dự của khoảng 90 đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ (NGO) có quy chế tư vấn với Hội đồng kinh tế - xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC)...
Cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhằm định kỳ kiểm tra hoạt động nhân quyền thông qua việc rà soát chính sách, pháp luật, biện pháp và kết quả đạt được trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của các quốc gia thành viên. Kể từ khi cơ chế UPR ra đời năm 2008 đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ và có trách nhiệm đối với tất cả các chu kỳ.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt (Trưởng phái đoàn Việt Nam) đã thông báo với Hội đồng Nhân quyền quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra tại phiên đối thoại về báo cáo quốc gia vào tháng 5/2024, đạt tỷ lệ 84,7%, cao nhất trong 4 chu kỳ. Việt Nam tái khẳng định cam kết và chính sách nhất quán về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và sự coi trọng đối với Cơ chế UPR và Hội đồng Nhân quyền. Trưởng phái đoàn Việt Nam khẳng định lập trường này được xây dựng trên cơ sở tiến hành xem xét, rà soát kỹ lưỡng các khuyến nghị với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan liên quan. Dự kiến, một kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị này sẽ được xây dựng và triển khai với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan trên tinh thần đối thoại và hợp tác.
Thông tin cập nhật cho Hội đồng Nhân quyền về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam kể từ phiên trình bày và đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam (tháng 5/2024), Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định, Việt Nam tiếp tục tăng cường khuôn khổ pháp luật về quyền con người, thông qua ban hành, sửa đổi một số văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Dù chịu tác động nặng nề của bão số 3 (Yagi), đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục được dự báo tích cực và ổn định, cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất - kinh doanh là tiền đề vững chắc để bảo đảm quyền cho tất cả người dân. Bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương tiếp tục đạt được những bước tiến tích cực. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chia sẻ về chủ trương đặc xá 2024 cho hàng ngàn phạm nhân, tạo điều kiện để họ tái hòa nhập và đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc trước những mất mát và thiệt hại do bão số 3 (Yagi) tại Việt Nam. Đồng thời, đánh giá cao sự tham gia nghiêm túc của Việt Nam trong toàn bộ tiến trình UPR, nhất là việc chấp thuận các khuyến nghị với tỷ lệ cao và xây dựng kế hoạch triển khai bài bản.
Dịp này, Việt Nam cũng đã cập nhật thông tin về các tiến triển mới kể từ Phiên đối thoại tháng 5/2024 trên các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, tiếp tục bảo đảm các nền tảng cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội để bảo đảm tốt hơn quyền con người ở Việt Nam. Đoàn Việt Nam cũng đã kịp thời có những ý kiến phản bác những luận điệu sai lệch, sử dụng những thông tin chưa được kiểm chứng thể hiện định kiến về Việt Nam trong phát biểu của một số tổ chức phi chính phủ tại phiên họp. Việt Nam khẳng định luôn tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia đóng góp xây dựng chính sách pháp luật; khẳng định việc thực hiện các quyền con người cũng cần dựa trên thượng tôn pháp luật...
Đặc biệt, những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, nhất là thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ…
Đến nay, Bộ Công an đã thiết lập quan hệ song phương với 162 cơ quan thực thi pháp luật của 64 quốc gia và một số vùng lãnh thổ, trong đó thiết lập quan hệ nhiều mặt với cơ quan thực thi pháp luật của các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; tham gia hoạt động trong 52 tổ chức, diễn đàn hợp tác quốc tế đa phương. Đàm phán, ký kết trên 150 văn bản hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm…
Trong 15 năm kể từ năm 2005, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đánh giá những kết quả này là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam và các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển”.
Các nước cũng có những đánh giá tích cực về nỗ lực, thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy phát triển bền vững để bảo đảm tốt hơn quyền con người, có cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều, quan tâm đến thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương… Các ý kiến đánh giá toàn diện, khách quan và rất sát với thực tế ở Việt Nam; thể hiện vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tại các diễn đàn đa phương… Những kết quả đạt được là minh chứng sinh động khẳng định sự đúng đắn của quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về thực hiện quyền con người. Đây là căn cứ quan trọng để nhận diện, đấu tranh phản bác những thủ đoạn lợi dụng nhân quyền để chống phá Việt Nam.
HỮU NGUYÊN