Sản xuất phân rơm hữu cơ
Nhận thấy được nguồn tài nguyên đang bị lãng phí từ nguồn phế phẩm của mô hình trồng nấm rơm, anh Trần Trung Hiếu (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã nảy ra ý tưởng sản xuất phân rơm. Sau thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, anh Hiếu đã cho ra mắt một loại phân rơm hữu cơ, với nhiều tính năng vượt trội về dinh dưỡng, kết nối với nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp, cửa hàng kinh doanh hoa kiểng để cung ứng ra thị trường.
Tận dụng nguồn rơm rạ giúp nông dân thêm thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường
Theo anh Hiếu, nghề trồng nấm hiện đang phát triển nhanh, hầu như địa phương nào cũng có mô hình trồng nấm từ ngoài trời cho đến trồng trong nhà. Do vậy, để bắt đầu sản xuất phân rơm, anh Hiếu đã liên hệ và kết nối với các nông dân trồng nấm ở huyện Châu Thành và Chợ Mới (tỉnh An Giang) thu mua rơm thải sau khi trồng nấm để làm nguồn nguyên liệu sản xuất phân rơm.
"Trước đây, lượng rơm sau khi trồng nấm xong thường phải bỏ đi, chỉ có một số hộ bán được cho người trồng hoa kiểng. Như vậy, vừa lãng phí lại dễ gây ô nhiễm môi trường. Thấy vậy, tôi mới kết nối nông dân, hợp đồng thu mua lượng phụ phẩm sau khi trồng nấm để sản xuất phân rơm hữu cơ. Qua đó, giúp bà con vừa có thêm thu nhập, vừa giải quyết được phần nào nguồn phế phẩm này” - anh Hiếu giải thích.
Sản phẩm phân rơm hữu cơ của Công ty TNHH Nông nghiệp Gia Khánh được phát triển theo 2 dòng, vừa tái chế từ rơm làm nấm, vừa ủ từ rơm tươi. Điểm mạnh của sản phẩm là có đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho cây trồng và có lượng humic khá cao. Qua đó, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng phát triển, cũng như giúp đất tơi xốp hơn. Phân rơm hữu cơ không chỉ được đánh giá cao trong trồng hoa kiểng, mà còn được sử dụng để cải tạo vườn, bón lót cho vườn cây ăn trái.
Thêm thu nhập cho nông dân
Trước đây, ngoài canh tác lúa, anh Trần Văn Tán (xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành) còn đầu tư thêm máy xới để vừa phục vụ cho ruộng nhà, vừa làm thuê cho nông dân trong và ngoài địa phương. Cách đây khoảng 3 năm, sau khi tìm hiểu và được giới thiệu, anh Tán đã mua thêm 1 thùng máy cuộn rơm. Vậy là cứ sau khi cắt lúa xong, máy cuộn rơm của anh Tán tiếp tục hoạt động hết công suất, đi từ đồng này đến đồng khác thu mua rơm.
Ngoài việc cuộn rơm thuê, anh Tán còn mua rơm để cuộn và trữ trong kho, cung ứng cho nông dân có nhu cầu, chủ yếu là trồng nấm, làm thức ăn cho bò. “Rơm bây giờ hút lắm, phải đặt hàng từ trước với chủ ruộng. Có năm rơm hút, nhiều người mua nên giá bán mỗi công rơm rất cao. Tùy theo mùa vụ mà giá rơm dao động từ 50.000-70.000 đồng/công tầm cắt (gần 1.300m2)” - anh Tán chia sẻ.
Vào vụ đông xuân, mỗi công rơm có thể thu được từ 15-16 cuộn, còn những vụ khác chỉ thu được khoảng 12-13 cuộn. Rơm sau khi cuộn xong, anh Tán chở về dự trữ trong kho nhà, bán với giá 20.000 đồng/cuộn, mỗi cuộn 17-18kg. “Nói là trữ trong nhà để bán, chứ chở về một vài hôm là bán xong, đa phần bà con gửi lại, đến khi sử dụng thì đến chở đi. Trước đây, chở rơm cũng rườm rà, giờ cuộn lại, dễ dàng vận chuyển và dự trữ, mình có thêm thu nhập cho gia đình” - anh Tán nói thêm.
Là nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trong trồng nấm rơm, anh Dương Văn Tài (xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành) hầu như trồng nấm rơm quanh năm, từ ngoài trời đến trồng trong nhà. Theo anh Tài, do rơm là nguồn nguyên liệu chính để trồng nấm rơm nên lúc nào trong nhà cũng trữ sẵn lượng rơm nhất định, đảm bảo đủ cho những vụ nấm trong năm. “Trước đây, nông dân thu hoạch lúa xong là rơm thường bỏ đi, có người thì đốt đồng, người thì cho lấy miễn phí... Còn bây giờ, nhu cầu về rơm nhiều, người trồng nấm mà không trữ lại là không có rơm, nếu có thì giá cao, đâu còn lời. Phải nói, nguồn rơm được tận dụng tối đa, từ sử dụng trồng nấm, sau đó tiếp tục bán cho những hộ trồng hoa kiểng để làm phân, cái nào cũng mang lại giá trị kinh tế cho nông dân nếu biết tận dụng” - anh Tài chia sẻ.
Hiện nay, rơm hút hàng vì được tận dụng để phát triển nhiều mô hình, nhất là nghề trồng nấm nở rộ ở nhiều địa phương. Đó là chưa kể, bằng phương pháp ủ rơm làm thức ăn trong chăn nuôi bò, cho thấy ưu điểm về dinh dưỡng, giúp nguồn tài nguyên từ phụ phẩm cây lúa thêm giá trị.
ÁNH NGUYÊN