Tiến tới nền nông nghiệp hữu cơ

24/07/2023 - 07:07

 - Để tạo ra nông sản sạch, thực phẩm organic có giá trị cao, cần tiết giảm tối đa phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có thành phần hóa học. Với công nghệ mới, thành phần dinh dưỡng trong phân hữu cơ hoàn toàn có thể thay thế phân bón hóa học. Vấn đề là cần giảm chi phí sản xuất, cạnh tranh sòng phẳng về giá bán để nông dân, doanh nghiệp chấp nhận chuyển đổi.

Nguồn nguyên liệu bị lãng phí

Những năm qua, Việt Nam luôn đứng “Tốp 10” trong các nước xuất khẩu; riêng xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 thế giới, trong đó sản lượng cá tra hơn 1,62 triệu tấn/năm.

Là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về thủy sản, TS Chau Thi Đa (Khoa Khoa học ứng dụng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho rằng, ngành công nghiệp thủy sản mang lại lợi nhuận và thu nhập lớn, nhưng cũng tác động tiêu cực tới môi trường.

Đối với các chất lơ lửng phân cá hoặc bùn thải đáy ao nuôi cá tra, nếu thực hiện hút hoặc nạo vét 2 tháng/lần trong chu kỳ 6 tháng nuôi cá thịt và chứa trong ao xử lý, ước tính khoảng 30.000 - 40.000m3 bùn/ha với độ sâu 3,5m. Chỉ riêng diện tích cả ngàn ha nuôi ở An Giang, khối lượng bùn thải là rất lớn.

Ủ phân hữu cơ bằng công nghệ AT-6H của Bioway

Theo TS Chau Thi Đa, bùn thải từ các đáy ao thủy sản thâm canh có nhiều thành phần ni-tơ (N), phốt-pho (P), các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng. Ngoài bùn thải, lượng rơm rạ, tro trấu, lục bình, phân chuồng (trâu, bò, gà, vịt, heo), phụ phẩm nông sản, phụ phẩm thủy sản từ nhà máy chế biến tại An Giang cũng như vùng ĐBSCL rất phong phú, là nguồn nguyên liệu có sẵn để sản xuất phân bón hữu cơ, thay thế dần phân bón hóa học.

Việc sử dụng phân hữu cơ được sản xuất từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản, trộn với các nguyên liệu hữu cơ khác tại địa phương, là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện đất nông nghiệp, giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học, mang lại lợi ích kinh tế, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững…

Tuy nhiên, giải pháp công nghệ cho sản xuất phân hữu cơ vi sinh hiệu quả vẫn là một thách thức. Do vậy, nguồn nguyên liệu phong phú từ phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản vẫn bị lãng phí.

Tìm kiếm giải pháp tối ưu

Khối lượng của bùn đáy ao nuôi cá tra rất lớn nhưng khó xử lý, do chứa rất nhiều nước, phải mất nhiều thời gian tách nước trong bùn. Đầu tháng 2/2020, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty TNHH VANTECH Việt Nam thử nghiệm máy xử lý bùn ly tâm tốc độ cao trong xử lý bùn ao nuôi thủy sản tại An Giang. Đây là dự án thuộc Chương trình JICA, do tỉnh Shiga (Nhật Bản) hỗ trợ kinh phí.

Có thể dần thay phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ, tạo ra nông sản sạch, an toàn

Cùng tham gia dự án này, TS Chau Thi Đa cho biết, VANTECH đã thành công trong việc lấy bùn đáy ao bằng công nghệ ly tâm tốc độ cao. Ông đã thí nghiệm làm phân compost từ bùn thải thủy sản. Kết quả cho thấy, các chất dinh dưỡng trong phân bón hữu cơ từ bùn đáy ao nuôi thủy sản phối trộn với rơm rạ, lục bình, xơ dừa hoặc vỏ đậu phộng có thể thay thế đến 75% phân vô cơ cho một số loại rau màu, giúp nông dân giảm chi phí từ 1,3 - 4 lần so phân hóa học.

Tuy nhiên, với công nghệ truyền thống, phải mất từ 3 - 6 tháng mới ủ được phân hữu cơ vi sinh, tính về chi phí, hiệu quả chưa cạnh tranh được với phân hóa học. Trong quá trình tìm kiếm công nghệ mới, TS Chau Thi Đa vui mừng khi tiếp cận công nghệ Bioway trong xử lý phế - phụ phẩm hữu cơ thành phân bón hữu cơ của Công ty Cổ phần Bioway Group. Công nghệ AT-6H của Bioway sử dụng quy trình tự động, giúp rút ngắn thời gian ủ phân còn 6 giờ.

“Qua kết quả sản xuất phân hữu cơ vi sinh thử nghiệm theo công thức bùn thải, hoặc phụ phẩm nông sản + xác cá chết + phân chuồng (gà, vịt) + tro (trấu nhuyễn), ứng dụng công nghệ ủ vi sinh Bioway 6 giờ cho thấy, phân thử nghiệm đáp ứng gần hết các tiêu chuẩn phân hữu cơ vi sinh TCVN và có thể thay thế 90 - 100% phân hóa học” - TS Chau Thi Đa đánh giá.

Giải bài toán chi phí

Theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đức Tuyến (cố vấn cao cấp của Công ty Cổ phần Bioway Group), công nghệ AT-6H của Bioway có nhiều tính ưu việt, như: Ủ phân compost dạng kín, xử lý phế - phụ phẩm hữu cơ thành phân bón hữu cơ; lên men siêu tốc, cao nhiệt chỉ trong 6 giờ…

Nhờ vậy, vi sinh chịu nhiệt cao (đến 180oC), khả năng chịu nhiệt lạnh (đến -36oC), nằm trong số ít những loại phân hữu cơ trên thế giới chứa cùng lúc 5 nhóm vi sinh vật có lợi đa chủng (vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải lân, vi sinh vật phân giải cellulose, vi sinh vật tăng quang hợp và vi sinh vật đối kháng), có khả năng phân giải hầu hết phế - phụ phẩm hữu cơ.

Là một doanh nghiệp chủ lực về xuất khẩu rau quả đông lạnh, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) có lượng phế - phụ phẩm thải ra hàng ngày rất lớn, bình quân 60 tấn/ngày. Tại nhà máy Mỹ An (huyện Chợ Mới), Antesco đã xây dựng được kho chứa lượng rác hữu cơ này.

Thời gian qua, Công ty Cổ phần Bioway Group đã hợp tác với Antesco triển khai thí điểm xử lý phế - phụ phẩm hữu cơ thành phân bón hữu cơ bằng công nghệ AT-6H. “Phải khẳng định rằng, phân hữu cơ sau xử lý có chất lượng rất tốt. Vấn đề là chi phí sản xuất còn cao nên chưa cạnh tranh được với phân hóa học” - Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh thông tin.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, việc áp dụng công nghệ mới để biến phế - phụ phẩm nông, thủy sản thành phân bón hữu cơ được tỉnh ủng hộ, góp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, biến phế - phụ phẩm thành nguồn nguyên liệu quan trọng. Đây là cơ sở để tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm organic có giá trị kinh tế cao.

Ngành nông nghiệp sẽ đề xuất UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp Công ty Antesco và Công ty Cổ phần Bioway Group triển khai thử nghiệm sản xuất phân hữu cơ vi sinh bằng công nghệ AT-6H của Bioway trên địa bàn huyện Chợ Mới, trên cơ sở sử dụng vùng nguyên liệu phế - phụ phẩm của Antesco. Đồng thời, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất và triển khai đề tài nghiên cứu sử dụng phế - phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản trên nền công nghệ Bioway.

Theo Công ty Cổ phần Bioway Group, khi tận dụng được nguồn nguyên liệu phế - phụ phẩm nông, thủy sản tại chỗ, đặt hệ thống sản xuất tại chỗ sẽ giúp giảm tối đa giá thành sản xuất phân bón hữu cơ bằng công nghệ Bioway. Từ đó, dần thay thế phân bón hóa học, để định hướng xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững.

NGÔ CHUẨN