Tiếp tục nâng cao chỉ số PAPI

15/05/2020 - 05:12

 - Việc Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 của An Giang xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 4 bậc so năm 2018) cho thấy, nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh đang được ghi nhận. Tuy vậy, để tạo sự hài lòng hơn nữa của người dân, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn.

Đánh giá khách quan

Chỉ số PAPI được phối hợp thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học (UBMTTQVN) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Chỉ số PAPI năm 2019 được khảo sát toàn quốc, xây dựng trên nền tảng nghiên cứu định lượng với quy mô mẫu khảo sát là 14.138 người dân, được thực hiện bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp và được chọn ngẫu nhiên đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước (chia bình quân mỗi tỉnh, thành phố khảo sát khoảng 224 người dân). Do vậy, đây được xem là kết quả phản ánh khách quan, trung thực sự hài lòng của người dân đối với từng địa phương.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ cho biết, tại buổi công bố trực tuyến kết quả Chỉ số PAPI năm 2019 diễn ra ở Hà Nội ngày 28-4 vừa qua, Chỉ số PAPI tỉnh An Giang năm 2019 đạt 44,37 điểm, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 4 bậc so với năm 2018), vẫn nằm trong nhóm các tỉnh đạt điểm “trung bình cao”. So khu vực ĐBSCL, An Giang xếp hạng 5/13 tỉnh, thành phố (trên 8 tỉnh là: Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).

Cụ thể, có 3/8 chỉ số thành phần của năm 2019 tăng so năm 2018. Trong đó, chỉ số “cung ứng dịch vụ công” đạt 7,8 điểm, tăng 0,31 điểm, thuộc nhóm điểm “cao nhất”; chỉ số “thủ tục hành chính công” đạt 7,58 điểm, tăng 0,25 điểm, thuộc nhóm điểm “cao nhất”; chỉ số “quản trị điện tử” đạt 3,68 điểm, tăng 1,1 điểm, thuộc nhóm điểm “trung bình cao”.

Tuy nhiên, có 5 chỉ số nội dung của năm 2019 giảm điểm so với năm 2018 là: chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 4,22 điểm, giảm 0,34 điểm, thuộc nhóm điểm “thấp nhất”; chỉ số “công khai minh bạch” đạt 5,06 điểm, giảm 0,09 điểm, thuộc nhóm điểm “trung bình thấp”; chỉ số “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 6,79 điểm, giảm 0,14 điểm, thuộc nhóm điểm “trung bình thấp”; chỉ số “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,63 điểm, giảm 0,09 điểm, thuộc nhóm điểm “thấp nhất”; chỉ số “quản trị môi trường” đạt 4,6 điểm, giảm 1,07 điểm, thuộc nhóm điểm “cao nhất”.

Phấn đấu nhiều hơn

Dù tăng 4 bậc trên bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố cả nước nhưng có thể thấy, Chỉ số PAPI năm 2019 của An Giang vẫn giảm điểm nhẹ so năm 2018 (năm 2019 đạt tổng điểm 44,37; năm 2018 đạt 44,43 điểm). So với Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 27-3-2019 của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh An Giang năm 2019 thì có 2/6 chỉ số nội dung đạt và vượt kế hoạch (“cung ứng dịch vụ công” vượt 0,1 điểm; “thủ tục hành chính công” vượt 0,28 điểm); có 4 chỉ số nội dung không đạt và thấp hơn kế hoạch đề ra (“tham gia của người dân ở cấp cơ sở” thấp hơn 1,18 điểm; “công khai minh bạch” thấp hơn 0,94 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” thấp hơn 0,21 điểm; “trách nhiệm giải trình với người dân” thấp hơn 0,37 điểm). So khu vực ĐBSCL, trong khi tỉnh Bến Tre tiếp tục dẫn đầu cả nước với 46,74 điểm; Đồng Tháp vươn lên xếp thứ 2 với  46,72 điểm thì điểm số của An Giang là chưa thật sự hài lòng.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ, để nâng cao Chỉ số PAPI năm 2020, các ngành, các cấp cần tiếp tục tham mưu, đề ra các giải pháp để tổ chức triển khai, thực hiện hoàn thành thật tốt các công việc, đề án, mục tiêu đề ra trong Chương trình cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh An Giang năm 2020. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 147/CTr-UBND ngày 22-4-2015 của UBND tỉnh về nâng cao Chỉ số PAPI đến năm 2020 và Kế hoạch nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh An Giang năm 2020 (Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 10-4-2020 của UBND tỉnh).

“Đề nghị các sở, ngành có liên quan tăng cường nghiên cứu, đề ra các giải pháp cải thiện 5 chỉ số nội dung được công bố trong Chỉ số PAPI năm 2019 bị mất điểm so với năm 2018. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương triển khai chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về các giải pháp liên quan để nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh An Giang năm 2020 và các năm tiếp theo” - ông Hồ kiến nghị.

Đối với Sở Nội vụ, sẽ chủ trì, phối hợp các thành viên Ban Điều hành Chỉ số PAPI của tỉnh, phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức hội nghị phân tích kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh An Giang năm 2019. Từ đó, đánh giá ưu điểm, phân tích nguyên nhân và hạn chế nhằm tiếp tục duy trì, phát huy các chỉ số thành phần đạt kết quả tốt, khắc phục những chỉ số thành phần còn yếu, kém để cải thiện và nâng cao hơn nữa kết quả Chỉ số PAPI tỉnh An Giang năm 2020 và những năm tiếp theo.

NGÔ CHUẨN